Multimedia Đọc Báo in

Kiểm soát tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ

14:49, 07/11/2021

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trẻ em không được đến trường, không được tham gia các hoạt động thể dục thể thao ngoài trời. Ít vận động cộng với chế độ ăn không hợp lý, thiếu kiểm soát trong các khẩu phần ăn làm gia tăng tình trạng trẻ bị thừa cân, béo phì.

Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc năm 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tại Việt Nam, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần (từ 8,5% năm 2010 lên 19,0% năm 2020). Cũng theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia, có đến 53% phụ huynh không biết con mình bị thừa cân, hoặc đánh giá thấp hơn một mức so với thực tế. Tại Đắk Lắk, theo số liệu điều tra ngẫu nhiên một số xã thuộc các huyện, thị, thành phố năm 2019, trong tổng số 1.530 trẻ dưới 5 tuổi, tỷ lệ trẻ bị thừa cân, béo phì chiếm 3,7%.

Các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng cân thiếu kiểm soát ở trẻ nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc trẻ em ở nhà nhiều, ít có cơ hội vận động ngoài trời, lại có nhiều thời gian để ăn, ngủ, cung cấp dinh dưỡng quá mức, nạp nhiều thức ăn nhanh, nước ngọt công nghiệp chính là nguyên nhân mấu chốt khiến tỷ lệ trẻ thừa cân, béo phì tăng.

Mặc dù hiện nay nhiều phụ huynh nhận thức được thừa cân, béo phì là không tốt nhưng vẫn còn chủ quan và rất ít khi chủ động kiểm tra cân nặng của trẻ định kỳ. Hoặc cũng có những phụ huynh không biết con mình đang bị thừa cân mà điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp, để đến khi nhận thức rõ tình trạng của trẻ thì trẻ đã bị thừa cân, béo phì, khi đó việc giảm chế độ ăn, điều chỉnh giảm cân sẽ rất khó khăn. 

Cần kiểm soát chế độ ăn ở trẻ để phòng tránh thừa cân, béo phì.
Cha mẹ cần theo dõi tiến trình phát triển của con thông qua biểu đồ tăng trưởng, tham chiếu các thước đo để nhận biết ngay nếu con vượt ngưỡng cân nặng và tuyệt đối không thờ ơ trước dấu hiệu thừa cân.

Trường hợp con chị T.T.H.L. (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) là một ví dụ. Từ đầu năm 2021 đến nay, cô con gái học lớp 5 của chị L. tăng cân nhanh chóng. “Từ khi dịch COVID-19 tại Đắk Lắk diễn biến phức tạp, thành phố nhiều lần thực hiện giãn cách xã hội, các con của tôi hầu như chỉ quanh quẩn trong nhà, ít vận động cũng như không tham gia các hoạt động thể thao nào. Do bố mẹ kinh doanh ngoài chợ, sáng đi tối mới về, việc cơm nước ở nhà đều do chị gái đầu quán xuyến, chăm em. Do không kiểm soát khẩu phần ăn của các con nên chỉ mới 6 tháng mà con gái học lớp 5 tăng thêm 6 kg, tức từ 49 kg lên 55 kg, vượt mức rất nhiều so với tiêu chuẩn”, chị L. lo lắng cho hay.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, thừa cân, béo phì là sự tích tụ mỡ bất thường, vượt quá mức và điều này dẫn đến rất nhiều hệ lụy, như: trẻ sẽ bị ảnh hưởng đến hệ nội tiết - chuyển hóa, dẫn đến hạ đường huyết, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, dễ gặp chứng ngừng thở khi ngủ và hội chứng giảm thông khí. Ngoài ra, thừa cân, béo phì ở trẻ còn ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa như bị gan nhiễm mỡ, xơ gan, sỏi mật; tăng nguy cơ bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành… khi trưởng thành.

Các chuyên gia về dinh dưỡng cũng cảnh báo, tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ nếu không được phát hiện và kiểm soát kịp thời sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng về sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Theo Bộ Y tế, nhiều nghiên cứu mới đây đã xác định béo phì là một yếu tố nguy cơ tiến triển các triệu chứng COVID-19 nghiêm trọng có thể phải nhập viện, phải chăm sóc đặc biệt và hỗ trợ máy thở trong giai đoạn đầu của bệnh. Trong đợt dịch thứ tư bùng phát, hàng nghìn trẻ em ở Việt Nam mắc COVID-19 với biến thể Delta khiến nhiều trẻ em có bệnh nền và béo phì phải nhập viện, bệnh diễn biến nặng rất nhanh, nguy kịch, cần thở máy không xâm nhập.

Để phòng tránh trẻ thừa cân, béo phì, giúp trẻ phát triển cân đối, cần duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hợp lý cho trẻ. Khẩu phần ăn hằng ngày nên đảm bảo đủ số lượng, hợp lý từ ba chất sinh năng lượng là đạm (các loại thịt, cá và thủy sản, đậu, đỗ các loại) từ 13 - 20%, chất béo (mỡ động vật, bơ, dầu thực vật, các loại hạt nhiều dầu) từ 20 - 25% và chất bột đường (gạo, ngũ cốc, khoai, củ) từ 55 - 65%. Ăn đa dạng, phối hợp từ 15 - 20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày để cung cấp đủ dưỡng chất giúp cho hệ miễn dịch của cơ thể trẻ luôn khỏe mạnh, tăng sức đề kháng.

Không để trẻ ăn mặn, hạn chế các loại thực phẩm chế biến sẵn như cá khô, mắm các loại, chả lụa, xúc xích, đồ hộp, dưa, cà muối chua. Hạn chế sử dụng thực phẩm nhiều chất béo như thịt mỡ, da (heo, gà, vịt); thực phẩm nhiều cholesterol như tim, gan, thận, não; hạn chế thức ăn và thức uống ngọt như bánh, kẹo, nước ngọt, chocolate…

 

Mỹ Hạnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.