Multimedia Đọc Báo in

Xử lý rác thải y tế trong phòng, chống dịch:

Bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn sức khỏe cộng đồng (Kỳ 2)

09:12, 06/11/2021

Kỳ 2: Thách thức trong xử lý rác thải y tế ở vùng nông thôn

Trước thực trạng đại dịch COVID-19 lây lan trên diện rộng, nhiều xã vùng sâu, vùng xa ở các địa phương trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải y tế từ các khu dân cư bị phong tỏa, khu cách ly…

Thiếu xe vận chuyển chuyên dụng

Thời gian qua, khi dịch bệnh bùng phát, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm khu cách ly tập trung lớn nhỏ được đưa vào sử dụng; nhất là từ đầu tháng 10-2021, khi số lượng người dân lao động ở các tỉnh thành phía Nam trở về địa phương lên đến hàng chục nghìn người. Cùng với đó, tại một số huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh cũng đã liên tiếp xuất hiện các ca nhiễm SARS-CoV-2 trong cộng đồng dẫn đến việc nhiều khu dân cư bị cách ly, phong tỏa.

Chính vì thế, ngoài việc bảo đảm an ninh, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về tổ chức cách ly y tế tập trung, các lực lượng thực hiện nhiệm vụ tại những khu vực này còn gánh thêm trách nhiệm thu gom, xử lý rác thải hằng ngày để ngăn chặn nguy cơ mầm bệnh phát tán ra bên ngoài. Điều này khiến khối lượng công việc của những lực lượng tuyến đầu vốn đã vất vả nay càng vất vả và gặp nhiều nguy hiểm hơn.

Thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt trong mùa dịch trên địa bàn xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ).

Hiện nay trên địa bàn tỉnh chưa có các đơn vị dịch vụ có chức năng xử lý chất thải nguy hại tập trung. Do đó, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải y tế trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 đang đặt ra những thách thức đối với nhiều cơ sở y tế, địa phương; nhất là tại các “điểm nóng” ở vùng nông thôn.

Tại huyện Krông Ana, với số lượng người từ địa phương khác về và số F1 nhiều, huyện có 5 khu cách ly tập trung hoạt động và nhiều khu dân cư bị phong tỏa. Ông Trần Đình Chiến, Trưởng Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Krông Ana cho hay, rác thải ở các khu cách ly được phân thành hai loại: rác thải sinh hoạt sau khi được nhân viên y tế thu gom, xịt khử khuẩn thì sẽ được công nhân Hợp tác xã dịch vụ Thanh Tùng thu gom đưa đi xử lý; rác thải y tế được nhân viên của Trung tâm Y tế huyện thu gom rồi đưa về xử lý bằng hệ thống lò đốt hai tầng của đơn vị. Tuy nhiên, hiện trên địa bàn huyện chưa có xe chuyên dụng để chở chất thải tại các khu cách ly tập trung về đơn vị xử lý nên vẫn phải sử dụng xe cứu thương để vận chuyển chất thải nguy hại!

Xử lý thủ công, thô sơ

Theo quy định, đối với rác thải ở các cơ sở điều trị, khu cách ly tập trung, khu vực phong tỏa sẽ được phân loại tại chỗ. Trong đó, rác thải sinh hoạt sẽ được phun khử khuẩn trước khi bàn giao cho đơn vị xử lý rác thải sinh hoạt của địa phương; riêng đối với rác thải y tế sẽ được tập kết về bệnh viện, trung tâm y tế địa phương để hấp tiệt trùng và đưa vào hệ thống đốt… Tuy nhiên, đối với các khu cách ly y tế, khu phong tỏa ở vùng nông thôn, nhất là địa phương có điều kiện khó khăn thì việc thực hiện quy trình này gặp nhiều thách thức, trở ngại.

Một khu cách ly tập trung trên địa bàn thị xã Buôn Hồ.

Đơn cử như ở thị xã Buôn Hồ, trước đây toàn bộ chất thải rắn phát sinh trong các khu cách ly tập trung đều được thu gom, quản lý như đối với chất thải y tế nguy hại. Theo đó, toàn bộ rác thải đều được phân loại, thu gom và vận chuyển hằng ngày về Bệnh viện Đa khoa thị xã để xử lý bằng thiết bị hấp chất thải lây nhiễm của đơn vị. Tuy nhiên, hiện nay thiết bị hấp sấy này đã bị hư hỏng, không thể sử dụng nên chất thải y tế thu gom tại các khu cách ly tập trung được đưa về xử lý bằng lò đốt chất thải y tế của Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (phường Thiện An, thị xã Buôn Hồ). Còn đối với rác thải khu cách ly ở một số xã, phường thì dường như đều được đơn vị, địa phương tự xử lý bằng phương pháp thủ công thô sơ như đốt hoặc chôn lấp sau khi phun thuốc khử khuẩn.

Ở xã Ea Drông (thị xã Buôn Hồ), lâu nay việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn do người dân ký kết thực hiện. Khi dịch bệnh xảy ra, nhiều thôn, buôn bị phong tỏa người dân phải tự thu gom, xử lý rác thải bằng cách đốt hoặc chôn lấp trong vườn nhà.

Cùng với đó, từ đầu tháng 10-2021, địa phương có hàng trăm công nhân, lao động ở các tỉnh thành phía Nam trở về phải thực hiện cách ly tập trung tại hai khu cách ly trên địa bàn xã. "Biết là rác thải ở khu cách ly tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm cần phải được thu gom, xử lý đúng quy định, nhưng do gặp khó khăn trong khâu thu gom và số lượng rác cũng ít nên chỉ được phun khử khuẩn, gom lại rồi đốt tại chỗ", ông Hoàng Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Drông chia sẻ.

Được biết, đây cũng là thực trạng chung của một số địa phương khác. Dẫu biết cách xử lý này là không phù hợp, không đúng với quy định của Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên – Môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát tán dịch bệnh nhưng với hoàn cảnh thực tế, các địa phương cũng không còn cách nào khác.

Theo Sở Tài nguyên – Môi trường, các cơ sở y tế cấp huyện đều đã được đầu tư công trình xử lý chất thải y tế, khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát thì sẽ tự xử lý chất thải y tế phát sinh của đơn vị; đồng thời, ưu tiên tiếp nhận, xử lý đối với chất thải y tế nguy hại phát sinh thuộc phạm vi địa bàn mình. Tuy nhiên, thực tế có những thời điểm, ở một số địa phương lượng rác thải phát sinh quá nhiều do số ca F0, F1 tăng nhanh nên việc xử lý gặp khó khăn, năng lực xử lý của các hệ thống không đủ đáp ứng. Mặt khác, có nơi hệ thống này được đầu tư từ lâu đã xuống cấp, hư hỏng không sử dụng được, phải đi nhờ đơn vị khác xử lý...

 

           (Còn nữa)

Kỳ cuối:  Quản chặt để loại trừ nguy cơ lây nhiễm

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.