Kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12:
Chú trọng truyền thông về dân số và phát triển
Trong Thư gửi ngành Dân số nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống ngành Dân số Việt Nam (26/12/1961-26/12/2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong giai đoạn mới, chúng ta tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển, chú trọng và đầu tư nhiều hơn cho hoạt động truyền thông.
Xác định nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân số thời kỳ mới, ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông theo hướng đa dạng về nội dung và phong phú về hình thức, chú trọng truyền thông trực tiếp đến đối tượng. Nhiều hoạt động truyền thông được tiến hành song song, từ tư vấn về lợi ích của sàng lọc trước sinh và sơ sinh cho phụ nữ mang thai, đến truyền thông về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho lứa tuổi vị thành niên, thanh niên.
Cùng với hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dân số đến từng thôn buôn, hộ gia đình, các mô hình câu lạc bộ về nâng cao chất lượng dân số cũng được triển khai ở nhiều địa phương. Các câu lạc bộ tư vấn sức khỏe tiền hôn nhân, với sự dẫn dắt của cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số đã cung cấp cho vị thành niên - thanh niên tham gia nhiều kiến thức bổ ích, thiết thực về chăm sóc sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý lứa tuổi… Ngoài ra, từ tỉnh đến cơ sở còn tổ chức những buổi nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt ngoại khóa thu hút hàng nghìn bạn trẻ tham gia. Tại đây, các em được tìm hiểu các thông tin kiến thức về những thay đổi về tâm lý, sinh lý ở tuổi dậy thì; lợi ích của khám sức khỏe trước hôn nhân; các vấn đề về tình bạn và tình yêu, cách phòng tránh mang thai ngoài ý muốn và xâm hại tình dục...
Cộng tác viên dân số huyện Buôn Đôn tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn về thực hiện chính sách dân số. |
Dù đã có những giải pháp ngăn chặn nhưng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại dai dẳng do nhiều nguyên nhân, gây nhiều hệ lụy. Theo thống kê của ngành dân số, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh có trên 2.600 cặp vợ chồng tảo hôn, riêng năm 2020, có 276 trường hợp, tập trung nhiều ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bài trừ nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống luôn là vấn đề được quan tâm, cơ bản vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức.
Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS” được Ban Dân tộc tỉnh triển khai trong giai đoạn 2015-2020 tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, từ tập huấn bồi dưỡng kiến thức đến tư vấn trực tiếp, mô hình can thiệp, cung cấp thông tin mà nhận thức của đồng bào DTTS, đặc biệt là phụ nữ, trẻ vị thành niên, thanh niên về Luật Hôn nhân và gia đình, ý thức chấp hành pháp luật từng bước được nâng lên.
Đặc biệt, mô hình Câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống” có ý nghĩa thiết thực về nâng cao chất lượng dân số. Đơn cử, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea Súp đã xây dựng được 6 mô hình, câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống” tại một số xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số, với cách thức hoạt động linh hoạt phù hợp với từng địa bàn, thời điểm, các mô hình thu hút đông đảo hội viên, phụ nữ tham gia. Qua sinh hoạt câu lạc bộ, hội viên không chỉ nắm bắt những thông tin cơ bản về Luật Hôn nhân và Gia đình; nguy cơ, hậu quả của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống; các kỹ năng chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên; cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan… mà còn trở thành một tuyên truyền viên tích cực nâng cao nhận thức cho gia đình, người dân. Nhờ vậy, nhận thức của người dân từng bước được nâng cao, theo số liệu thống kê trong năm nay, toàn huyện không có trường hợp nào tảo hôn hay kết hôn cận huyết thống.
Năm 2020, Chương trình truyền thông “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại 22 trường THCS trên địa bàn huyện Cư M’gar cũng mang lại hiệu quả tích cực. Các trường đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức về tảo hôn và hôn nhân cận huyết cho học sinh một cách phù hợp với lứa tuổi. Qua đó, học sinh đã được cung cấp kiến thức, nâng cao hiểu biết về vấn đề này và hướng tới thay đổi hành vi.
Theo thống kê của ngành y tế, qua các hoạt động truyền thông đa dạng hướng tới từng nhóm đối tượng cụ thể đã từng bước làm thay đổi nhận thức và hành vi của các tầng lớp nhân dân về dân số và phát triển. Hàng năm toàn tỉnh có hàng nghìn bà mẹ mang thai được khám sàng lọc trước sinh và hàng nghìn em bé được sàng lọc sơ sinh; vị thành niên và thanh niên được tiếp cận với nhiều dịch vụ về Dân số-KHHGĐ và được trang bị những kiến thức cần thiết về chăm sóc sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động giai đoạn 2021-2025 của tỉnh thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam và Kế hoạch truyền thông dân số tỉnh đến năm 2030 xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của công tác dân số giai đoạn này. Mới đây nhất, kế hoạch thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 của tỉnh đã nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để loại trừ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội đối với việc thanh niên tham gia thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; phụ nữ mang thai thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh.
Chính vì vậy, các ngành chức năng và địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; huy động sự tham gia và cam kết với công tác dân số thông qua việc chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, lồng ghép các vấn đề dân số trong chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
Kim Ngọc
Ý kiến bạn đọc