Multimedia Đọc Báo in

Những cựu chiến binh “vác tù và” ở Hòa Phong

11:15, 12/12/2021

Trải qua muôn vàn gian khổ trong chiến đấu, khi trở về cuộc sống đời thường, nhiều cựu chiến binh (CCB) vẫn tiếp tục phát huy phẩm chất cao quý của người lính Cụ Hồ, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào thi đua ở địa phương, nhiều người trong số đó còn đảm nhận vai trò người “vác tù và” ở các thôn, buôn...

Như ở xã Hòa Phong (huyện Krông Bông), trong số 12 trưởng thôn, buôn thì có 4 trưởng thôn là CCB. Các trưởng thôn CCB này luôn nhiệt tình, tâm huyết với công việc, được bà con tin yêu, quý mến.

Cựu chiến binh Nguyễn Đức Thành,

Trưởng thôn 4. 

Nhập ngũ tháng 8/1978, ông Nguyễn Đức Thành (thôn 4, xã Hòa Phong) có 2 năm tham gia quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia. Những năm tháng trong quân ngũ đã cho ông Thành nhiều kinh nghiệm quý báu, mọi suy nghĩ hành động luôn đặt lợi ích của tập thể lên trên hết. Tâm niệm này cũng được ông áp dụng trong cuộc sống đời thường.

Năm 2003, ông được bầu làm Phó thôn rồi Trưởng thôn 4 cho đến nay. Đối với ông Thành, mọi công việc dù lớn hay nhỏ, ông đều “đi từng ngõ, gõ từng nhà” đôn đốc, nhắc nhở bà con trong thôn thực hiện. Mỗi khi có chuyện bất hòa trong gia đình, hàng xóm ông đều kịp thời có mặt hòa giải. Nhờ vậy, các phong trào thi đua yêu nước đều được người dân thôn 4 hưởng ứng tích cực; đến nay, thôn có 108/122 hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa, chiếm tỷ lệ 88,5%, 116/122 gia đình có nhà xây khang trang, sạch, đẹp; mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 27 triệu đồng/năm, cao hơn mức bình quân chung của xã 20%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,8%. Nhiều năm liền, thôn 4 là ngọn cờ đầu trong các phong trào thi đua của xã Hòa Phong.

Cựu chiến binh Đỗ Văn Lát,

Trưởng thôn 1.

Cũng từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Campuchia, ông Đỗ Văn Lát đã trải qua nhiều trận đánh ác liệt, bản thân ông đã hai lần cận kề với cái chết. Khi trở về cuộc sống đời thường, ông tâm niệm hòa bình hôm nay phải đánh đổi bằng biết bao xương máu của đồng đội, vì thế, ông luôn đau đáu phải làm một việc gì dù lớn hay nhỏ để xứng đáng với sự hy sinh đó. Năm 1988, ông cùng gia đình vào xây dựng quê hương mới ở thôn 1, xã Hòa Phong. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Lát còn tích cực tham gia công tác xã hội, thường có nhiều hiến kế hay trong xây dựng thôn, xóm.

Năm 2014, ông được bà con trong thôn 1 tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn. Trong suốt 7 năm qua, ông đã cùng chi bộ, ban tự quản và bà con trong thôn đẩy mạnh phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Đến nay, cuộc sống của người dân trong thôn đã có nhiều chuyển biến, bình quân một hộ có 2,7 ha đất canh tác, thu nhập đầu người trên 25 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 32,8% (năm 2018) xuống còn 17,3% (năm 2021), nhân dân trong thôn luôn hoàn thành tốt nghĩa vụ thuế và các khoản đóng góp theo quy định.

Cựu chiến binh Đào Xuân Mỳ,

Trưởng thôn Ea Khiêm. 

Còn ông Đào Xuân Mỳ (dân tộc Mông) sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự đã cùng gia đình vào xã Hòa Phong sinh sống, lập nghiệp.

Năm 2002 khi thành lập thôn Noh Prông, ông được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn rồi Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn Noh Prông; đến tháng 2/2017 thành lập thôn Ea Khiêm, ông lại được bà con bầu làm Trưởng thôn. Với 19 năm liên tục công tác, dù làm việc gì, ông Mỳ cũng được bà con mến phục bởi sự thẳng thắn, “miệng nói, tay làm”.

Từ ngày đảm nhiệm vai trò Trưởng thôn Ea Khiêm đến nay, ông đã vận động nhân dân đóng góp gần 445 triệu đồng và 316 ngày công xây dựng hạ tầng cơ sở của thôn, hoàn thành tốt chỉ tiêu đóng góp các quỹ. Bản thân ông được tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc cùng nhiều giấy khen các cấp về thành tích trong công tác. 

Ông Nguyễn Đỗ Thảo, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong nhận xét: "Với uy tín và sự năng động, sáng tạo của các trưởng thôn CCB, thôn 4 và thôn 1 liên tục 20 năm liền là lá cờ đầu của xã. Đặc biệt, thôn Ea Khiêm tuy mới thành lập nhưng hằng năm đều là đơn vị tiêu biểu về đóng góp vật chất, ngày công trong xây dựng nông thôn mới ở địa phương".

 

Mai Viết Tăng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.