Multimedia Đọc Báo in

Những mô hình tự quản bảo vệ an ninh trật tự ở buôn làng

09:20, 07/12/2021

Cùng với việc quan tâm triển khai đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, thời gian qua, huyện Krông Ana luôn chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

Buôn Cuê (xã Băng A Drênh) có 237 hộ, 1.008 khẩu, trong đó có trên 98% là người DTTS. Ông Y Ben Byă, Trưởng buôn Cuê chia sẻ: “Để bà con tin tưởng, làm theo, trước hết mình phải là người gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật. 

Bên cạnh đó, tôi cũng cùng cấp ủy, ban tự quản, các đoàn thể buôn tổ chức họp dân, phân tích rõ lợi ích, vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới; thực hiện phương châm “cầm tay chỉ việc”, hướng dẫn cụ thể cho bà con triển khai nhiều mô hình thiết thực, gắn liền với đời sống người dân như: mô hình làm kinh tế giỏi; mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc... góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng ”.

Các thành viên Tổ tự quản an ninh trật tự thôn An Na phối hợp với Công an xã Dray Sáp tuyên truyền thực hiện quy định pháp luật cho các tiểu thương

Mới đây, UBND xã Băng A Drênh đã thành lập mô hình “Tổ xung kích bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nông thôn mới” tại buôn Cuê. Mô hình có 15 thành viên là những cá nhân tích cực, có nhiều đóng góp trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Tổ có nhiệm vụ tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trong buôn; trực tiếp thực hiện công tác tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tuần tra phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở địa phương và tham gia hòa giải những mâu thuẫn phát sinh tại cộng đồng.

Theo ông Đào Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã, việc lập Tổ xung kích nhằm xây dựng lực lượng nòng cốt phối hợp với Công an xã triển khai các biện pháp duy trì, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn và phối hợp với các ban, ngành liên quan xây dựng nông thôn mới, phấn đấu xây dựng buôn Cuê thành buôn văn hóa.

Thành lập từ năm 2018, Tổ tự quản an ninh trật tự của Chi hội Cựu chiến binh thôn An Na (xã Dray Sáp) duy trì hoạt động khá hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương. Ngoài triển khai các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự, Tổ tự quản còn phối hợp với Công an xã đến từng nhà, gặp gỡ người dân để tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật, tạo nếp sống tự quản theo pháp luật trong cộng đồng. Ông Nguyễn Xuân Uân, Tổ trưởng Tổ tự quản cho hay: Mô hình hiện có 5 thành viên, đều là cựu chiến binh gương mẫu, có uy tín trong cộng đồng. Nhờ vậy, việc tuyên truyền, vận động nhân dân tuân theo pháp luật cũng thuận lợi hơn.

Ban tự quản buôn Cuê (xã Băng A Drênh) phổ biến các chính sách mới của Nhà nước đến người dân trong buôn.

Từ hiệu quả mô hình này, cuối năm 2020 UBND xã Dray Sáp đã thành lập thêm mô hình “Tổ tuần tra nhân dân” tại buôn Kuôp với mục tiêu tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân trong buôn, trực tiếp thực hiện công tác tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tuần tra phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và tham gia hòa giải những mâu thuẫn phát sinh tại cộng đồng.

 

“Việc tạo điều kiện để người có uy tín được trực tiếp tham gia vào các hoạt động tuyên truyền sẽ góp phần nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.”

 
Ông Đào Quốc Khánh, Chủ tịch UBND xã Băng A Drênh

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Krông Ana đã huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị. Để công tác được triển khai hiệu quả, Phòng Tư pháp huyện chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương, các hội, đoàn thể đổi mới, đa dạng hình thức tuyên truyền, hướng về cơ sở.

Các nội dung tuyên truyền được chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm, xây dựng theo tiêu chí “ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ”; tập trung vào các vấn đề thiết thực, liên quan trực tiếp đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân như chính sách về công tác dân tộc; các quy định pháp luật về đất đai, đảm bảo an toàn giao thông, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới; vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Hình thức tuyên truyền cũng được triển khai đa dạng, phong phú như qua hệ thống truyền thanh cơ sở; pa nô, áp phích, tờ rơi, phát hành tài liệu pháp luật; tư vấn pháp luật; lồng ghép tuyên truyền tại các hội nghị, buổi sinh hoạt của các mô hình, câu lạc bộ; tổ chức hội thi, hội diễn với các nội dung liên quan đến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS.

Cùng với đó, các địa phương của huyện luôn quan tâm nâng cao trình độ, năng lực, động viên tinh thần của đội ngũ người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS; cung cấp kịp thời những thông tin liên quan đến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để người có uy tín nắm vững, vận động đồng bào thực hiện, làm theo.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.