Tạo động lực giúp phụ nữ thoát nghèo
Nhờ sự chung tay, góp sức của hội viên, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Ea H’leo đã triển khai nhiều chương trình thiết thực, hiệu quả, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo động lực cho nhiều chị em khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.
Chương trình Ngân hàng bò, dê sinh sản là một trong những hoạt động đang được Hội LHPN huyện Ea H'leo phát động và triển khai hiệu quả từ năm 2016 đến nay. Hằng năm, các chi hội cơ sở sẽ khảo sát hoàn cảnh hội viên khó khăn và vận động chị em, mạnh thường quân đóng góp xây dựng nguồn quỹ mua bò, dê sinh sản hỗ trợ hội viên. Sau khi con giống sinh sản lứa đầu tiên, hội viên hưởng lợi sẽ chuyển lại bê, dê con cho hộ khó khăn khác chăm sóc và được sở hữu con giống ban đầu. Từ chương trình này, trung bình hằng năm hội đã giúp từ 8 – 10 hội viên thoát nghèo.
Chị Hồ Thị Sương (đứng giữa), thôn 3, xã Cư Mốt nhận bò sinh sản từ Chương trình Ngân hàng bò của Hội LHPN xã. |
Là một trong những hội viên thoát nghèo từ Chương trình Ngân hàng bò, dê sinh sản, hiện gia đình chị Trần Thị Hà (thôn 3, xã Ea H’leo) đã có mô hình trồng trọt, chăn nuôi bền vững, mang lại thu nhập ổn định. Trước đây, gia đình chị Hà không có đất sản xuất, vợ chồng chị chủ yếu đi làm thuê, công việc bấp bênh, số tiền kiếm được không đủ trang trải cuộc sống. San sẻ khó khăn với gia đình chị, đầu năm 2020, Hội LHPN xã đã trao một cặp dê sinh sản và hỗ trợ, hướng dẫn làm chuồng trại, cách chăn nuôi. Sau 6 tháng chăm sóc, cặp dê đã sinh sản thêm 2 dê con. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình này, chị đã vay mượn mua thêm 5 con dê để phát triển chăn nuôi, nâng tổng đàn lên 16 con và tiết kiệm mua được 5 sào đất trồng cà phê. Nhờ đó, đời sống gia đình chị ngày càng cải thiện và trở thành tấm gương cho nhiều chị em học hỏi.
Bà Đỗ Thị Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea H’leo cho biết, dựa vào tình hình thực tế của địa phương và mong muốn của hội viên, hội đã lựa chọn triển khai Chương trình Ngân hàng dê sinh sản. Mô hình nuôi dê không những mang lại hiệu quả kinh tế nhanh, mà còn không đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao. Dê được chăm sóc tốt, một năm có thể sinh sản hai lứa nên việc phát triển đàn rất thuận lợi. Từ năm 2018 đến nay, hội trao được 48 con dê, với tổng kinh phí 120 triệu đồng cho hội viên khó khăn, trong đó đã có 3 chị thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu từ mô hình này.
Chị Hồ Thị Sương (giữa) (thôn 3, xã Cư Mốt) nhận bò sinh sản từ Chương trình Ngân hàng bò của Hội LHPN xã. |
Cùng với đó, để giúp các chị em sản xuất hiệu quả từ tiềm năng của địa phương, từ tháng 10/2020, Hội đã triển khai cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo tại chỗ”, hiện đang mang lại tín hiệu tích cực. Bên cạnh việc hướng dẫn chị em cải tạo đất vườn và kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây ăn trái như: chuối, sầu riêng, bơ…; làm chuồng trại chăn nuôi gà, vịt, heo, hội còn trao 4 con heo sinh sản và hỗ trợ kỹ thuật cho 4 hội viên chăn nuôi. Hiện đàn heo đã sinh sản được 3 lứa, Hội đang vận động hội viên trao lại con giống, nhân rộng ra các buôn khác, tạo sức lan tỏa từ cuộc vận động, giúp các phụ nữ người DTTS thay đổi cách làm, tận dụng đất trống phát triển chăn nuôi, trồng trọt, tăng thu nhập gia đình.
Theo chị Mai Thị Mỵ, Chủ tịch Hội LHPN huyện Ea H’leo, đẩy mạnh việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, chương trình trao sinh kế cho hội viên và cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ DTTS nghèo tại chỗ” là một trong những hoạt động trọng tâm của Hội thời gian qua, góp phần giúp hội viên tiếp cận và sử dụng nguồn vốn, con giống hiệu quả. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, việc sản xuất không thuận lợi nên đời sống của hội viên gặp nhiều khó khăn. Hiện Hội LHPN huyện vẫn tiếp tục đồng hành, hỗ trợ kịp thời, đặc biệt công tác trao sinh kế luôn được chú trọng, giúp hội viên có động lực, kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt, tạo đà vươn lên thoát nghèo bền vững.
Phương Thảo
Ý kiến bạn đọc