Hạnh phúc khi được sẻ chia giọt máu hồng
Với tâm niệm “Mỗi giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, nhiều cá nhân trên địa bàn tỉnh đã tích cực tham gia hiến máu nhân đạo, góp vào “ngân hàng máu”, coi đó là niềm hạnh phúc với mong muốn có thể tiếp thêm hy vọng sống cho những bệnh nhân cần máu để điều trị.
Ông Nguyễn Tấn Chờ, Trưởng thôn Tiến Thịnh (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar) đã có tổng cộng 44 lần hiến máu. Năm nay, dù đã bước qua tuổi 55 nhưng ông vẫn mong muốn mình đủ sức khỏe để có thể tiếp tục hiến máu cứu người thêm nhiều lần nữa. Ông nhớ lần đầu tham gia hiến máu khi vừa tròn 20 tuổi. Lúc đó, ông đang ở trong quân ngũ, biết tin đồng đội bị thiếu máu cần truyền gấp, ông Chờ đã không ngần ngại đăng ký ngay.
Ông Nguyễn Tấn Chờ hỗ trợ tiếp nước, sữa cho người dân tham gia hiến máu. |
Cảm giác lần đầu cho máu khá hồi hộp và có chút lo lắng, nhưng nghĩ đến người đồng đội đang gặp nguy cấp, ông đã gạt bỏ tất cả sẵn sàng thực hiện. Từ đó về sau, ông Chờ đã mạnh dạn đăng ký hiến máu tình nguyện mỗi khi có đợt phát động. Ông Chờ trải lòng: “Dù lúc đầu gia đình tỏ ra lo lắng nhưng sau mỗi lần hiến máu, cơ thể tôi vẫn bình thường, thậm chí còn khỏe mạnh hơn. Nhờ vậy, gia đình dần ủng hộ, vợ và ba người con tôi còn cùng đăng ký tham gia. Mỗi lần hiến máu trở về, bản thân tôi lại cảm thấy hạnh phúc, hy vọng những giọt máu của mình sẽ giúp cứu sống được nhiều người khác”.
Đại úy Nguyễn Minh Lãnh (bìa phải) tham gia hiến máu tình nguyện. |
Hăng hái tham gia hiến máu, dù chỉ mới 31 tuổi nhưng Đại úy Nguyễn Minh Lãnh (Công an TP. Buôn Ma Thuột) đã 20 lần hiến máu tình nguyện. Anh Lãnh cho biết, bản thân tham gia hiến máu lần đầu tiên khi còn là sinh viên vào năm 2010, khi ấy, dù cảm thấy khá lo nhưng qua tìm hiểu, biết được tầm quan trọng của nghĩa cử này trong công tác cứu chữa người bệnh, anh đã tự tin đăng ký. Đến nay, Đại úy Lãnh cũng nhiệt tình tham gia các nhóm hiến máu của Đoàn Thanh niên Công an tỉnh, Đoàn cơ sở Công an thành phố và Câu lạc bộ Hiến máu nhân đạo Trường Đại học Tây Nguyên để chủ động trong việc hiến máu. Không chỉ vậy, anh còn vận động gia đình và bạn bè cùng tham gia phong trào đầy ý nghĩa này. Đối với anh, chỉ cần giúp đỡ được người khác thì bản thân sẵn sàng cống hiến và sẻ chia.
Mong muốn góp chút sức mình trong công tác cứu chữa bệnh nhân, nhưng chị Đỗ Thị Hoa (SN 1976, xã Ea Đrơng, huyện Cư M’gar) lại chưa đủ “duyên” để hiến máu khi đã hai lần đăng ký vẫn không đủ điều kiện sức khỏe. Trong chương trình “Chủ nhật đỏ” được tổ chức tại thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar) ngày 15/1 vừa qua, chị vô cùng hạnh phúc khi đã có thể hiến máu. Chị tâm sự: “Sau hai lần đăng ký không thành, tôi quyết tâm tập thể dục, yoga, tăng cường chế độ ăn uống theo lời khuyên của bác sĩ. Nhờ vậy, đến lần thứ ba đăng ký, khi được thông báo đủ điều kiện hiến máu, tôi cảm thấy rất vui mừng. Cuối cùng tôi cũng đã có thể thực hiện được hành động ý nghĩa mà bản thân mong muốn từ lâu. "Giọt máu cho đi là còn mãi", sau này tôi sẽ tiếp tục hiến máu nhiều hơn nữa”.
Tham gia hiến máu, không chỉ mang lại niềm vui mà còn đọng lại những kỷ niệm khó quên hay kết thân được với nhiều người mới. Như anh Nguyễn Xuân Tú (SN 1979, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) ngoài việc có trên 20 lần hiến máu, anh còn ba lần hiến máu trực tiếp, một lần hiến tiểu cầu tại các bệnh viện. Anh nhớ nhất lần tham gia hiến tiểu cầu ở Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.
Lúc ấy, qua theo dõi mạng xã hội Facebook, anh biết được thông tin cần tiểu cầu gấp cho một bệnh nhân ở huyện Buôn Đôn nhập viện trong tình trạng khá nặng: đa chấn thương, dập phổi, gãy xương. Anh đã không ngần ngại gọi taxi đi lên bệnh viện với hy vọng có thể hiến tiểu cầu cứu sống bệnh nhân. Qua xét nghiệm gần 30 người, anh Tú có chỉ số tiểu cầu cao nên hiến được. Mãi đến khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch, được cứu sống, anh Tú mới thở phào nhẹ nhõm và cảm thấy hạnh phúc tột cùng. Sau lần đó, anh và bệnh nhân được cho máu trở nên thân thiết, gắn bó, thường xuyên hỏi thăm, động viên nhau trong cuộc sống.
Huyền Diệu
Ý kiến bạn đọc