Multimedia Đọc Báo in

Ngành Giáo dục hoàn thành “nhiệm vụ kép” trong học kỳ I

15:38, 27/01/2022

Sáng 27/1, Sở GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị sơ kết học kỳ I và triển khai nhiệm vụ trọng tâm học kỳ II, năm học 2021-2022.

Đến cuối học kỳ I, năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 1.015 trường học từ mầm non đến THPT, giảm 5 trường so với đầu năm học do sáp nhập. Toàn tỉnh có 85.405 trẻ mầm non, 199.237 học sinh tiểu học, 127.946 học sinh THCS, 60.894 học sinh THPT, 5.297 học viên GDNN-GDTX, 749 sinh viên Cao đẳng Sư phạm.

Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa điều hành nội dung tham luận tại hội nghị.
Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa điều hành nội dung tham luận tại hội nghị.

Trong điều kiện ứng phó với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Ngành Giáo dục đã chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch học kỳ I, hoàn thành chương trình, kế hoạch đề ra, bảo đảm mục tiêu chất lượng và an toàn phòng chống dịch. Trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh, UBND các huyện thị xã, thành phố đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn xây dựng và triển khai thực hiện các phương án, kịch bản tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với điều kiện của đơn vị, địa phương.

Toàn tỉnh có 13/15 huyện, thị xã, thành phố có tỉ lệ trường học tổ chức dạy trực tiếp cao. Tỉ lệ học sinh được học trực tiếp ở học kỳ I khoảng 31,6% đối với bậc học Mầm non, 28,45% đối với bậc Tiểu học, 63,5% đối với THCS, 64% đối với THPT, 25% đối với GDTX. Số học sinh còn lại học trực tuyến và một số ít học trên truyền hình hoặc các hình thức khác.

Tất cả các cơ sở giáo dục đã nghiêm túc xây dựng và triển khai kế hoạch, phương án, kịch bản tổ chức dạy học trong điều kiện ứng phó với các tình huống dịch bệnh, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng dịch tại cơ sở. Các cấp Tiểu học, THCS, THPT, GDNN-GDTX hoàn thành chương trình học kỳ I năm học 2021-2022 đúng kế hoạch.

Ngành GDĐT cũng đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ học sinh có điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 như: miễn đóng học phí học kỳ I năm học 2021 – 2022 đối với học sinh, ủng hộ trên 5 tỷ đồng cho chương trình “Máy tính cho em” và đã cấp 1.400 máy tính cho học sinh hộ nghèo, cận nghèo…

Một số chỉ tiêu cơ bản của ngành đã hoàn thành đạt và vượt kế hoạch đề ra như: 55,3% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% thôn, buôn có trường, lớp mẫu giáo; 99,93% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, 96,85% trẻ 11 tuổi vào lớp 6; 74,34% xã đạt chuẩn tiêu chí số 5 về trường học và tiêu chí số 14 về giáo dục trong xây dựng nông thôn mới.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Buôn Ma Thuột Phạm Tiến Hưng tham luận về công tác GD-ĐT trên địa bàn trong học kỳ I, năm học 2021-2022.
Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Buôn Ma Thuột Phạm Tiến Hưng tham luận về công tác GD-ĐT trên địa bàn trong học kỳ I, năm học 2021-2022.

Mặc dù đã có sự chủ động ngay từ đầu, nhưng một số đơn vị vẫn còn lúng túng trong việc triển khai các kịch bản tổ chức dạy học, giáo dục phù hợp với diễn biến dịch bệnh tại địa phương. Chất lượng dạy học trực tuyến, qua truyền hình gặp nhiều khó khăn do một số học sinh thiếu thiết bị học tập, đường truyền yếu, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Việc quá lâu không được đến trường để học tập, rèn luyện, vui chơi cũng đã tạo áp lực không nhỏ đến tâm sinh lí của trẻ mầm non, học sinh.

Tham luận tại hội nghị, lãnh đạo UBND và phòng GDĐT các huyện đã báo cáo công tác triển khai các nhiệm vụ năm học và những nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành “mục tiêu kép” trong giáo dục. Đến nay, các địa phương cũng đã chuẩn bị các điều kiện, phương án từng bước đưa học sinh các khối lớp trở lại học trực tiếp sau Tết Nguyên đán.

Học kỳ II năm học 2021-2022, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện linh hoạt các giải pháp hoàn thành năm học theo đúng kế hoạch cũng như đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với các chỉ tiêu chủ yếu: 56% trường học đạt chuẩn quốc gia; duy trì 100% thôn, buôn có trường, lớp mẫu giáo; 72% phòng học kiên cố vào cuối năm 2022; tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường và tỷ lệ xã đạt chuẩn tiêu chí số 5 và số 14 trong xây dựng nông thôn mới…

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.