Multimedia Đọc Báo in

Xuân sớm với người dân vùng biên

08:36, 02/01/2022

Từ ngày tuyến đường nối xã Ea Lê – Ea Rốk hoàn thành, đưa vào sử dụng, hoạt động đi lại, mua bán trở nên sầm uất, nhộn nhịp, góp phần tạo nên diện mạo mới, báo hiệu một mùa Xuân đến sớm đối với người dân các xã cánh Bắc của huyện biên giới Ea Súp.

Hàng chục năm nay, khi tuyến đường nói trên chưa được đầu tư xây dựng, người dân dọc tuyến đi lại khó khăn, cuộc sống vì thế cũng bị ảnh hưởng nhiều. Từ khi có chủ trương làm đường, trong suốt quá trình thi công, chính quyền địa phương và người dân vùng dự án đều đồng tình chủ trương, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư và nhà thầu triển khai thực hiện.

Tuyến đường nói trên thuộc Dự án đường giao thông đến Làng thanh niên lập nghiệp xã Ia Lốp (huyện Ea Súp), có chiều dài 9 km, được khởi công xây dựng đầu tháng 2/2020. Công trình có điểm đầu tại Km0+00 nối tiếp đoạn cuối Tỉnh lộ 1 tại Km67; điểm cuối tại Km9+00 đoạn qua thôn 11, xã Ea Rốk, với tổng mức đầu tư gần 74 tỷ đồng, từ nguồn vốn ngân sách tỉnh. Sau hơn 20 tháng triển khai thi công, đến tháng 10/2021 công trình hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, vượt tiến độ so với yêu cầu đề ra.

Trung tâm xã Ea Lê (huyện Ea Súp) trở nên sầm uất hơn khi tuyến đường hoàn thành.

 Với mặt đường rộng bình quân 5,5 m các đoạn qua khu trung tâm 7,5 m, kết cấu bằng bê tông đã góp phần thay đổi bộ mặt của các xã vùng sâu, vùng xa ở huyện biên giới Ea Súp. Dọc hai bên tuyến, đặc biệt đoạn qua xã Ea Lê, các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, tiệm cắt tóc, làm đẹp, quán tạp hóa mọc lên san sát. Nhiều công trình, nhà cửa của các hộ dân cũng được sửa chữa, tân trang lại khang trang, mới mẻ.

Làm nghề buôn bán hàng ăn ở khu vực trung tâm xã Ea Lê từ nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Bảo Lành (thôn 5, xã Ea Lê) phấn khởi cho hay, trước đây đoạn đường này chằng chịt "ổ gà", "ổ trâu", việc đi lại đã khó khăn chứ chưa nói đến việc kinh doanh, buôn bán. Nay đường mở rộng, sạch sẽ, việc buôn bán của chị thuận lợi hơn nhiều. Anh Nguyễn Văn Minh (nhà ở TP. Buôn Ma Thuột) có hơn 10 năm công tác tại xã vùng biên Ia R’vê cũng không giấu nổi niềm vui khi được đi lại trên con đường mới. Anh chia sẻ, từ xã Ia R’vê về TP. Buôn Ma Thuột dài khoảng 100 km, nhưng trước đây khi đoạn đường từ xã Ea Rốk ra xã Ea Lê và cả tuyến Tỉnh lộ 1 đoạn qua các huyện Ea Súp, Buôn Đôn chưa được đầu tư xây dựng, anh phải mất 3 giờ mới về đến nhà. Nay nhiều đoạn dọc tuyến Tỉnh lộ 1 đã được nâng cấp và 9 km đến Làng thanh niên lập nghiệp xã Ia Lốp được xây dựng nên việc đi lại thuận lợi hơn nhiều. Tuy nhiên, hiện nay trên tuyến vẫn còn 2 km đường bị xuống cấp, anh mong muốn Nhà nước sớm triển khai xây dựng để phát huy hiệu quả công trình.

Tuyến đường đoạn qua xã Ea Lê (huyện Ea Súp) được mở rộng khang trang.

Ông Đinh Xuân Đồng, Chủ tịch UBND xã Ea Rốk cho biết, Dự án đường giao thông đến Làng thanh niên lập nghiệp xã Ia Lốp hoàn thành, đưa vào sử dụng, người dân ai cũng phấn khởi, việc đi lại rất thuận tiện, hàng hóa, nông sản cũng dễ dàng thông thương. Từ khi có chủ trương làm đường đến thời điểm hoàn thành, có nhiều tổ chức, cá nhân về địa phương tìm hiểu để mở các loại hình dịch vụ như Bách hóa xanh, Điện máy xanh, chợ dân sinh… Tin tưởng rằng trong nay mai, khi các đoạn còn lại được đầu tư đồng bộ, sức hút đầu tư vào địa phương sẽ nhiều hơn, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Duy Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.