Multimedia Đọc Báo in

Ấm áp tình người trong đại dịch

18:42, 06/02/2022

Dịch bệnh COVID-19 đã làm đảo lộn cuộc sống, gây khó khăn cho người dân. Nhưng trong khó khăn ấy, tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” được lan tỏa sâu rộng với những việc làm cụ thể, thiết thực, ấm áp tình người.

Trong đợt dịch bệnh COVID-19 lần thứ tư, huyện Krông Năng có gần 13 nghìn người trở về từ các tỉnh phía Nam. Hai anh em Ngô Văn Dũng và Ngô Thị Tuyết (ở thôn Tam Thịnh, xã Ea Tam) bố mất sớm, mẹ bỏ đi, được chú ruột nuôi nấng từ nhỏ. Hoàn cảnh khó khăn, sau khi học hết cấp 3, Dũng và Tuyết vào tỉnh Bình Dương làm công nhân.

Tháng 10/2021 dịch bệnh căng thẳng, cả hai mất việc đành phải về quê tránh dịch. Anh Dũng cho hay, thời gian thực hiện cách ly y tế tại nhà, đại diện chính quyền địa phương đã động viên, hỗ trợ vật chất để hai anh em yên tâm phòng dịch bệnh. Đó là những phần quà ấm áp nghĩa tình trong mùa dịch.

Lãnh đạo huyện Krông Năng tặng quà động viên một trường hợp cách ly y tế tại nhà.

Tương tự, gia đình ông Lý Văn Khanh (thôn Tam Liên, xã Ea Tam) thuộc diện hộ nghèo. Hai vợ chồng dắt nhau vào tỉnh Bình Dương làm việc, nhưng bà H.T.Ch. (SN 1964) - vợ ông đã mất vì COVID-19. “Vợ tôi đã ra đi mãi mãi, trong lúc khó khăn nhất, tôi đã nhận được sự đùm bọc của bà con lối xóm, hỗ trợ của chính quyền địa phương, giúp tôi vơi bớt nỗi đau do dịch bệnh gây ra”, ông Khanh nói với đôi mắt ngân ngấn lệ.

Bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam cho biết, xã đã triển khai các biện pháp hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là trong thời gian bà con thực hiện cách ly tại nhà khi trở về địa phương. Những hộ cách ly cả gia đình, xã vận động người thân tiếp tế lương thực, nhu yếu phẩm; với gia đình không có điều kiện cách ly tại nhà, thì huy động lực lượng giúp làm chòi trên rẫy, tiếp tế lương thực, thực phẩm. Trường hợp không có người thân thì giao tổ COVID-19 cộng đồng chăm lo, quyết không để người dân thiếu thốn, cô độc trên quê hương mình.

 
Vì cuộc sống mà người dân phải tha hương và nay do dịch bệnh họ phải trở về nhà thì quê hương luôn nuôi dưỡng, giúp vượt qua thời điểm khó khăn. Cả hệ thống chính trị của huyện đã vào cuộc, “không để ai bị bỏ lại phía sau” để mỗi người dân cảm thấy ấm lòng vì được quan tâm, chia sẻ”. 
 
Bí thư Huyện ủy Krông Năng Nguyễn Thị Thu An

Từ cuối tháng 10/2021, huyện thực hiện thí điểm cho bệnh nhân COVID-19 đã tiêm đủ 2 liều vắc xin được chăm sóc y tế tại nhà với phương châm “Không để F0 ở lại phía sau”, chính quyền địa phương luôn đồng hành. Đơn cử, trường hợp của anh N.V.T. (SN 1986, nhân viên Khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế huyện Krông Năng) trong quá trình thực hiện nhiệm vụ không may bị nhiễm COVID-19. Anh T. điều trị tại nhà nhưng vẫn được đội ngũ y, bác sĩ của huyện thăm khám, kiểm tra sức khỏe, điều trị theo phác đồ. Anh T. chia sẻ: “Được lãnh đạo địa phương quan tâm, thăm hỏi; đội ngũ y tế thăm khám thường xuyên, tôi có thêm động lực chiến thắng bệnh tật”.

Lực lượng dân quân tự vệ xã Ea Hồ (huyện Krông Năng) chăm sóc đàn gia súc giúp nhân dân khu vực bị phong tỏa.

Gần 2 năm qua, kể từ ngày dịch bệnh bùng phát, các lực lượng chức năng và tình nguyện viên của huyện ở tuyến đầu chống dịch không chỉ hoàn thành nhiệm vụ được giao mà còn sẵn sàng giúp đỡ mua lương thực, thực phẩm, ra đồng cắt cỏ cho gia súc, thu hái nông sản để người dân yên tâm điều trị, thực hiện cách ly. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã góp tiền, nhu yếu phẩm hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, bà con nơi khu vực phong tỏa... Năm 2021, MTTQ các cấp phối hợp với các cơ quan, đơn vị của huyện vận động, tiếp nhận gần 800 triệu đồng tiền ủng hộ mua vắc xin; 200 triệu đồng, 10 tấn hàng trị giá trên 110 triệu đồng hỗ trợ công tác phòng, chống dịch; 1.200 suất ăn miễn phí cho công dân từ các tỉnh phía Nam trở về địa phương, 126 suất quà (mỗi suất trị giá 300.000 đồng), 18 triệu đồng tiền mặt tặng các hộ bị ảnh hưởng do dịch...

Theo Bí thư Huyện ủy Krông Năng Nguyễn Thị Thu An, để bảo đảm công tác phòng, chống dịch hiệu quả, an toàn, một mặt chính quyền địa phương vận động người dân chấp hành các quy định phòng, chống dịch, mặt khác tuyên truyền để họ nâng cao ý thức bảo vệ người thân và cộng đồng; đồng thời chỉ đạo tổ COVID-19 cộng đồng rà soát, vận động các nhà hảo tâm thông qua MTTQ Việt Nam huyện để có những hỗ trợ, động viên kịp thời người dân. 

Thế Hùng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.