Multimedia Đọc Báo in

Chuyện kể của Ama H’loan

09:24, 06/02/2022

Cận Tết mà buổi sáng ở các buôn quanh thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp) vắng lặng. Già đi chăn trâu, chăn bò, trẻ ra ruộng chuẩn bị đón nước cho vụ mới, hay trồng rau… Ama H’Loan (Y Phăng) ngồi giữa nhà sàn, ngó ra con đường nhựa chạy dọc buôn, trải dài trước cửa, sạch như có ai vừa quét.

Năm nay mưa kéo dài đến tận cuối năm nên cây lá đón xuân xanh um. Vòm trời biếc xanh với những đám mây bông trắng khổng lồ dạt trôi bình yên. Xuân cao nguyên khi nào cũng đẹp.

Chẳng biết người J’rai đến định cư tại đây từ bao giờ, nhưng căn nhà sàn Ama H’Loan thiết kế đúng kiểu nhà J’rai vùng sông nước: cửa ra vào giữa hông nhà, chân cao lênh khênh; gian giữa rộng thênh thang và sạch đẹp…

Ama H’Loan.

Hơn 70 tuổi đời, đôi mắt Ama H’Loan đã thấy nhiều đổi thay. Nhớ nhất là những năm sau 1975, rất gian khổ, cả gia đình ông từng có lúc thiếu đói đến quay quắt, ngày ngày già trẻ, lớn bé phải dắt díu nhau vô rừng đào củ mài, củ chụp để ăn. Đi từ Buôn Ma Thuột vào tới đây chỉ hơn 80 km mà xe chạy từ sáng sớm đến tối mới tới nơi. Đường đất, bụi đỏ dày ngập bánh xe, đầy ổ trâu, ổ gà.

Năm 1978, chính quyền có chủ trương ngăn suối Ea Súp làm con đập thủy lợi Ea Súp Hạ, bộ đội làm thử vài héc ta lúa nước, tốt bời bời. Ngày đó Chủ tịch UBND tỉnh Y Ngông Niê Kdăm đến tận buôn vận động người dân không chỉ hiến đất rẫy mà còn tham gia công trường làm đập. Lúc đầu mấy già làng không chịu. Mấy chục mùa lúa rồi, mái tóc Ama H’Loan đã bạc gần hết nhưng trong đầu ông vẫn nhớ như in.

Ông Y Ngông Niê Kdăm ngồi bên bếp lửa nhà khoa pin ea (chủ bến nước) nói chuyện tới hai ba đêm, rằng: “Nhà nước không cho mình phát rừng làm rẫy nữa. Đốt hết rừng không còn cây giữ nước, xảy ra lũ lớn đấy. Nhưng không làm rẫy thì đói. Muốn hết đói phải học làm lúa ruộng. Muốn có ruộng làm lúa phải có nước. Chặn con suối là để mình có nước trồng lúa. Theo quy hoạch tính toán, con đập có thể tưới được từ 6.000 - 9.000 ha đất ruộng.

Ea Súp mình đất đai bằng phẳng, rộng bao la thế này, khai hoang xong là sẽ có cánh đồng lớn, tha hồ cấy trồng. Ea Súp rồi sẽ thành vựa lúa của tỉnh. Chính phủ thương dân, không muốn dân đói nên mới phải làm trái ý Yang. Y Ngông sẽ nói với tỉnh đưa 2 trâu, 2 heo về làm lễ cúng, xin cho đắp đập. Yang phạt một mình Y Ngông chịu hết…”. Ông Y Ngông cũng nói cho bà con biết, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp của bộ đội đã trồng thử mấy sào lúa bên suối rồi, lúa tốt, dày bông lắm.

Bình minh hồ Ea Súp Thượng.

Nói miết, cuối cùng các già làng cũng phải chịu “ăn” lời Ama Ly (Y Ngông).

Ngày đó tuy đã có máy ủi, máy xúc nhưng chủ yếu vẫn là sức con người. Thanh niên hai buôn quanh thị trấn nô nức tới công trường khiêng đất đá. Ngày lao động vất vả, nhưng đêm đến, tiếng hát hò của thanh niên người Kinh, Thượng vang động một vùng. Y Phăng cũng tìm được bàn tay mềm mại của Amí H’Loan bây giờ, trong những ngày sôi nổi khiêng đất đá đắp đập ấy.

Năm 1980 xong đập thủy lợi Ea Súp Hạ, rồi tiếp tới Ea Súp Thượng hoàn thành, vì chưa có đủ kênh mương dẫn nước về khắp huyện nên người dân 7 xã quanh thị trấn hưởng lợi trước. Nhà nước đưa máy về khai hoang các cánh đồng rộng mênh mông, con cò bay cũng mỏi cánh phải đậu xuống lưng trâu nghỉ ngơi. Dân thỏa sức mà khai thác đất đai, các buôn, thôn đều qua được cái đói lúc hết mùa rẫy. Ruộng gần nước làm được 2 vụ lúa. Ruộng xa hơn chỉ làm 1 vụ. Huyện Ea Súp trở thành vựa lúa của tỉnh Đắk Lắk, đúng như lời ông Y Ngông Niê Kdăm đã hứa.

Nhà Ama H’Loan đông người, khai hoang được tới vài héc ta đất; sau này chia cho các con gái bắt chồng cũng còn lại 3 ha lúa 2 vụ, 1 ha lúa 1 vụ. Xung quanh ruộng và 1 ha rẫy cận kề, vợ chồng Ama H’Loan cùng các con trồng thêm ngô, khoai. Lúa thì để ăn, khoai ngô bán cho thương lái. Nhà nào lúa cũng chất đầy sang mdiê (nhà để lúa), khắp các buôn quanh thị trấn chỉ còn hộ nào không có lao động mới đói. Ôm đẫy tay những bông lúa dài đầy hạt vàng ươm thấy mừng vui không xiết kể. Mùa đầu tiên nhiều nhà thu 400 bao lúa. Mấy buôn bàn nhau cử người lên tận tỉnh mời cho được Chủ tịch Y Ngông Niê Kdăm về cúng ăn cơm mới, uống rượu cần, say với buôn làng một đêm.

Kể từ khi thành lập huyện Cư M’gar, rồi lại tách ra thêm thành huyện Ea Súp này, người no, con heo, con gà nhà nhà cũng no, chạy đầy sân. Sẵn rơm rạ, cỏ ngoài đồng, gia đình nào cũng nuôi thêm con trâu. Ít thì vài con, nhiều như nhà Ama H’Loan có tới 50 con.

Để tiết kiệm sức người, sau vài vụ lúa Ama H’Loan sắm thêm cái xe cày trị giá hơn 20 triệu đồng, vừa cày ruộng, vừa chở lúa về làng cho tiện. Tích lũy thêm mấy năm từ tiền bán lúa, ngô, bán trâu, mua tiếp cái máy phay hơn 100 triệu đồng nữa. Nhờ đủ nước và có máy móc giúp sức, mỗi năm Ama H’Loan thu đến hơn 500 bao lúa; năm mất mùa, khô hạn lắm cũng vẫn được 400 bao, ngô cũng chừng 400 bao nữa. Trong đời ông chưa bao giờ thấy nhiều lúa, ngô đến thế. Ama H’Loan được công nhận là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Giấy khen, Bằng khen treo kín một bức tường. Nghe cán bộ nói năm 1975, cả tỉnh quy thóc mới được 75.000 tấn lương thực. Vậy mà chỉ tính tới năm 1985, thêm hai vựa Buôn Triết và Ea Súp đã cho tới 210.000 tấn lúa. Bây giờ còn nhiều hơn thế gấp mấy lần. Toàn lúa là lúa dẻo thơm.

Hỏi thêm Ama H’Loan về những phong tục tập quán truyền thống của người J’rai còn gì, mất gì, ông trầm ngâm cho biết: “Có cái như xưa, có thứ không còn. Như ching Arap còn ít nhưng nếu có đám tang, lễ bỏ mả, người ta không có cũng đi mượn chỗ khác về đánh đó. Lâu lâu lại đánh ching, múa suang giao lưu văn nghệ đấy. Có đám vui buồn gì người ta cũng đánh ching cả đêm. Nghe tiếng ching vang xa gần trong gió nhớ các lễ hội ngày xưa lắm”. Rồi ông bất chợt ngâm nga mấy câu nói vần bằng tiếng J’rai: “Hãy lắng nghe, hãy lắng nghe/ Nhớ công ơn người xưa xây đắp/ Giữ gìn từng mảnh đất mến yêu/ Đất là Yang, là sự sống của chúng ta”.

H'Linh Niê

 


Ý kiến bạn đọc