Gìn giữ cho mai sau
Cuối năm, gió thổi ràn rạt như muốn trút dày lá khô xuống buôn Kmrơng Prông B (xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột), nhưng ở bến nước đầu nguồn, dòng chảy vẫn luôn được khơi thông, sạch thoáng.
Ý thức được việc bảo vệ môi trường, đồng bào nơi đây quyết tâm giữ gìn cánh rừng nguyên sinh với rất nhiều cây cổ thụ, quý hiếm, giữ cho mạch nguồn bến nước vẫn dạt dào tuôn chảy trong không gian trong lành, thanh bình và êm ả.
Nhà dài và bến nước - một trong những giá trị đặc biệt quan trọng tạo nên nét đặc sắc cho buôn làng đều hội tụ đủ ở buôn Kmrơng Prông B. Gìn giữ giá trị đặc biệt này, dẫu đã có giếng dùng, nhưng hầu hết các gia đình vẫn xuống bến gùi nước đầu nguồn về sử dụng cho việc nấu nướng, ăn uống. Trân quý những giá trị truyền thống, nhiều gia đình vẫn còn lưu giữ được nếp nhà dài. Và càng đặc biệt hơn khi mới đây, buôn có thêm một bảo tàng tư nhân với hàng nghìn hiện vật gắn liền với đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc.
Bến nước đầu nguồn ở buôn Kmrơng Prông B. |
Tại buôn Akô Dhông (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), dẫu “cơn lốc” đô thị hóa có ảnh hưởng ít nhiều, song những nếp nhà dài vẫn là nét đặc trưng được đồng bào nỗ lực gìn giữ. Về với buôn như lạc vào một thế giới rất khác biệt của phố thị ồn ào, náo nhiệt. Dọc hai bên đường thảm nhựa rộng thoáng là những ngôi nhà dài nổi bật giữa khoảng vườn xanh tươi, tạo cảm giác yên bình, dễ chịu. Cùng với thế mạnh này, việc duy trì nếp sinh hoạt truyền thống như dệt thổ cẩm, ủ rượu cần, đốt lửa trại, diễn tấu cồng chiêng… đã giúp buôn gần hơn với du khách trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó mà những món đồ thổ cẩm, vật dụng sinh hoạt thường ngày của đồng bào, cho đến sản vật địa phương như cà phê, tiêu, ca cao ngày càng được lan tỏa tích cực trong cộng đồng.
Người dân buôn Akô Dhông phát huy thế mạnh du lịch trên địa bàn. |
Ông VÕ TIẾN DŨNG, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP. Buôn Ma Thuột.
|
Nếu trước đây, nhiều gia đình vẫn còn loay hoay sinh kế, thì nay, họ đã biết làm giàu bằng vốn văn hóa dân tộc mình. Ông Y Pun Niê Ping, Trưởng buôn Akô Dhông vui mừng bày tỏ: “Toàn buôn hiện có 30 nhà dài. Lợi thế này cùng với những món ẩm thực truyền thống, những sản phẩm thổ cẩm đã giúp kinh tế nhiều hộ thêm khấm khá, phát triển”.
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII đã xác định rõ tầm quan trọng của việc khai thác và phát huy các giá trị văn hóa trong sự phát triển của tỉnh thời gian tới. Trên cơ sở đó, TP. Buôn Ma Thuột tiếp tục chú trọng công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn. Nhiều hoạt động đã được triển khai tại 33 buôn đồng bào dân tộc thiểu số của thành phố nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới, như dạy chữ viết cho đồng bào dân tộc Êđê theo hình thức ngoại khóa tại một số trường học; phục dựng và tổ chức định kỳ một số nghi lễ, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số; sửa chữa, tu bổ bến nước, nhà dài truyền thống tại một số buôn; thành lập được câu lạc bộ cồng chiêng, văn hóa, văn nghệ dân gian...
TP. Buôn Ma Thuột cũng đặc biệt coi trọng việc phát triển du lịch cộng đồng dựa trên các giá trị văn hóa truyền thống, hiện có 3 buôn đồng bào dân tộc thiểu số (buôn Ako Dhông, phường Tân Lợi; buôn Tuôr, xã Hòa Phú và buôn Kmrơng Prông B, xã Ea Tu) được hỗ trợ các hoạt động thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng, bám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tại các thôn, buôn đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Cụ thể, khảo sát thực tế, lấy ý kiến của các hộ gia đình có nhu cầu làm du lịch cộng đồng; triển khai các lớp tập huấn; vận động người dân gìn giữ, bảo tồn cảnh quan và các giá trị văn hóa truyền thống của buôn; bảo tồn nhà dài; thành lập câu lạc bộ cồng chiêng và múa dân gian; đào tạo kỹ năng cơ bản và nâng cao về chế biến các món ăn truyền thống gắn với vệ sinh an toàn thực phẩm… tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng.
Ý kiến bạn đọc