Multimedia Đọc Báo in

Những "chiến binh" trên tuyến đầu chống dịch

06:20, 02/02/2022

Vào trận tuyến phòng chống dịch COVID-19 ắt hẳn sẽ không tránh khỏi những hiểm nguy, đặc biệt đối với các y bác sĩ nơi tuyến đầu. Song, bằng tình yêu nghề và tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, những “chiến binh” ấy vẫn thầm lặng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân, nỗ lực cùng cả nước đẩy lùi dịch COVID-19.

Sát cánh cùng người bệnh

Đợt dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, nhất là khi Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) - tầng cuối trong quá trình thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động cũng là chừng đó thời gian bác sĩ Nguyễn Hùng Cường, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc cùng đồng nghiệp kiên trì bám bệnh viện, túc trực bên người bệnh.

Các y bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) thực hiện chạy ECMO (tim, phổi nhân tạo) cho bệnh nhân COVID-19 nặng.

Dịch bệnh diễn biến phức tạp, lượng bệnh nhân vào viện ngày một tăng lên, việc điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng vốn đã vất vả, trong khi đa số bệnh nhân đều kèm theo nhiều bệnh lý nền khiến công việc của bác sĩ Cường và các đồng nghiệp thêm vất vả bội phần, từ việc theo dõi sát sao bệnh lý, chăm sóc người bệnh từng li từng tí cả về dinh dưỡng lẫn thuốc men, cho đến tất tả “ngược xuôi” cấp cứu, chạy ECMO (tim, phổi nhân tạo) khi bệnh nhân nguy kịch, nhiều hôm đã 0 giờ vẫn chưa kịp ăn bữa tối. Các đợt điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19 cứ liên tiếp nhau, bác sĩ Cường và các đồng nghiệp phải chia thành hai tua, mỗi tua trực liên tục trong 24 giờ mới thay ca. Mặc dù được trang bị đầy đủ đồ bảo hộ chuyên dụng, kiểm tra đủ độ an toàn mới vào chăm sóc bệnh nhân, nhưng chẳng ai dám chắc bệnh dịch không lây lan cho mình. Những nhân viên y tế trực tiếp chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 đều hiểu rõ đặc thù công việc vất vả, nguy hiểm. “Nếu hỏi chúng tôi có mệt không, có lo lắng không thì có chứ, vì ngày ngày đối mặt với nguy cơ lây nhiễm bệnh, rồi còn hằng tháng trời không về nhà, mọi sinh hoạt đều gói gọn ở trong khu điều trị. Mệt, lo lắng, nhưng không vì thế mà chùn bước, nản chí. Anh em chúng tôi luôn sẵn sàng với một quyết tâm cùng chung sức để chiến thắng đại dịch” - bác sĩ Cường bộc bạch.

Những ngày điều trị bệnh nhân, bác sĩ Cường luôn trĩu nặng nỗi lòng khi có những ca quá nặng không qua khỏi dù bác sĩ đã tận tình cứu chữa, những lúc ấy bác sĩ lại trực tiếp xử lý các công đoạn nối tiếp theo quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn một cách chặt chẽ. Bên cạnh đó, anh và đồng nghiệp cũng có được niềm vui mỗi khi cứu bệnh nhân qua cơn nguy kịch, chứng kiến bệnh nhân hồi phục từng ngày. Việc chấp nhận cách ly trong khoảng thời gian khá dài, xa người thân, gia đình, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó khăn, nguy cơ cao đã được đền đáp khi bệnh nhân được chữa khỏi, xuất viện.

Lặng thầm cống hiến

Có lẽ năm 2021 là khoảng thời gian để lại cho chị Nguyễn Thị Thanh (SN 1982), điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa khu vực 333 (huyện Ea Kar) nhiều cung bậc cảm xúc nhất trong hơn 15 năm gắn bó với nghề y. Sau khi bệnh viện này được chuyển công năng sang điều trị bệnh nhân COVID-19, giữa tháng 8, chị Thanh được phân công cùng kíp trực thực hiện nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân COVID-19, một bệnh truyền nhiễm hoàn toàn mới, nên khó tránh khỏi những lo lắng, hồi hộp. Nhà chỉ mỗi vợ chồng, nội ngoại đều ở tận miền Trung, chồng công tác trong quân đội, cũng trực tiếp tham gia chống dịch nên mỗi kíp trực (21 ngày) chị phải gửi hai con (cháu lớn 11 tuổi, cháu nhỏ 6 tuổi) nhờ hàng xóm chăm sóc. Mỗi lần nhớ con, chị chỉ có thể tranh thủ khoảng thời gian nghỉ ngơi ít ỏi trong tua trực gọi điện về hỏi han.

Điều dưỡng Nguyễn Thị Thanh đưa cơm cho bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực 333.

Là một điều dưỡng, hằng ngày chị Thanh làm nhiệm vụ phát thuốc, theo dõi dấu hiệu sinh tồn, chăm lo từng bữa ăn cho bệnh nhân vào điều trị tại bệnh viện. Trong số các bệnh nhân, có lẽ trường hợp ông H.M. (84 tuổi, ở xã Vụ Bổn, huyện Krông Pắc) là để lại những kỷ niệm khó quên nhất với chị. Do thời gian điều trị kéo dài, nhớ con, nhớ cháu nên dù chưa đủ điều kiện để xuất viện nhưng bệnh nhân này một mực đòi về nhà. Nắm bắt tâm lý người bệnh, coi ông như người nhà, hằng ngày ngoài làm nhiệm vụ chuyên môn, chị còn động viên, thuyết phục để bệnh nhân hiểu rõ việc chưa khỏi bệnh mà về nhà thì sẽ gây nguy hiểm cho những người thân xung quanh mình. Từ những lời tâm sự ân cần, gần gũi của chị và cả những bệnh nhân cùng phòng, dần dần ông hiểu ra và thực hiện đúng các quy định về quy trình sinh hoạt, điều trị bệnh COVID-19, nhờ vậy sức khỏe bình phục nhanh. Ngày ông M. được xuất viện trở về với gia đình, chị Thanh cũng rưng rưng nước mắt - giọt nước mắt hạnh phúc của người thầy thuốc khi hoàn thành nhiệm vụ giúp người bệnh điều trị khỏi, hồi phục sức khỏe.

Duy Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.