Những "chiến sĩ áo trắng" dấn thân vì cộng đồng
Trong cuộc chiến cam go chống dịch COVID-19, không thể diễn tả hết được những nhọc nhằn, vất vả của đội ngũ y, bác sĩ trên tuyến đầu. Căng thẳng, áp lực và nguy hiểm, song những “chiến sĩ áo trắng” vẫn lặng thầm gánh trên vai sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc - chữa bệnh cứu người.
Tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 ngay từ những ngày đầu Bệnh viện dã chiến số 1 mới đi vào hoạt động, hằng ngày hộ lý Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1983, nhân viên Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) làm nhiệm vụ dọn dẹp, thu gom rác, quét dọn, vệ sinh phòng cho bệnh nhân và khu vực thay đồ của các y, bác sĩ tại bệnh viện.
Vào đầu tháng 9/2021, trong đợt lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc định kỳ, nhận kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, chị Huyền không khỏi lo lắng. “Bản thân tôi mắc bệnh rối loạn tiền đình và hơi thừa cân béo phì nên khi bị lây nhiễm chéo mắc COVID-19 tôi khá bất an. Tuy nhiên, được sự quan tâm của lãnh đạo bệnh viện, được người thân, bạn bè, đồng nghiệp động viên, trong quá trình điều trị tôi luôn suy nghĩ theo chiều hướng tích cực nhất, giữ tâm trạng thoải mái để chiến đấu với bệnh tật” - chị Huyền chia sẻ.
Hộ lý Nguyễn Thị Thanh Huyền đưa cơm cho bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 1. |
Chị cho biết, hiện sức khỏe đã hoàn toàn bình phục, nếu có sự phân công của cấp trên, chị vẫn sẵn sàng lên tuyến đầu, tham gia chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 để góp phần nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh.
Giống như đồng nghiệp của mình, bác sĩ Phan Anh Tú (Khoa Nội - Tổng hợp Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh) cũng bị lây nhiễm chéo trở thành F0 sau nhiều ngày làm công việc khám, phân loại các trường hợp F1 thực hiện cách ly tại Khu cách ly tập trung Ký túc xá Trường Đại học Tây Nguyên. Những ngày đầu nhiễm bệnh, các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, mất vị giác khiến bác sĩ Tú càng thấu hiểu nỗi lo lắng của các bệnh nhân đang điều trị. Bởi vậy, trong quá trình điều trị COVID-19, mỗi khi đỡ mệt, bác sĩ Tú lại tham gia hỗ trợ, chăm sóc cho những F0 cùng tầng điều trị nhằm truyền năng lượng tích cực, cổ vũ, khích lệ giúp các bệnh nhân có thêm động lực để vượt qua bệnh tật.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Thịnh, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 1 cho biết, kể từ khi đi vào hoạt động đến nay bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho gần 5.000 bệnh nhân COVID-19. Lúc cao điểm, có ngày bệnh viện phải điều trị cho hơn 1.100 bệnh nhân, điều này gây quá tải cho bệnh viện khi lực lượng nhân viên y tế còn mỏng. Cường độ công việc cao, rất vất vả nên nguy cơ lây bệnh cho nhân viên y tế là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, vượt lên các khó khăn, nguy hiểm, các cán bộ nhân viên y tế đã vượt qua được cơn bệnh, tiếp tục chiến đấu vì bệnh nhân của mình.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh có hơn 50 y, bác sĩ và nhân viên y tế bị nhiễm bệnh trong quá trình làm nhiệm vụ. Con số này đã phần nào phản ánh mức độ phức tạp của dịch bệnh tại địa phương, cho thấy sự hy sinh, dấn thân của lực lượng y tế trong công tác chống dịch COVID-19. Theo bác sĩ CKII Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế, cuộc chiến chống dịch COVID-19 ở Đắk Lắk có thể còn kéo dài, những người thầy thuốc, cán bộ y tế sẽ còn phải vượt qua nhiều khó khăn, gian khổ. Các cấp chính quyền, lãnh đạo ngành y tế và mỗi người dân đều thấu hiểu và hết sức trân trọng.
Có thể nói, những F0 trong lực lượng tuyến đầu chống dịch chính là minh chứng cao đẹp về đức hy sinh, về trách nhiệm với người bệnh, truyền niềm tin để cùng nhau đi qua những ngày đầy thử thách giữa đại dịch. Dù biết còn nhiều khó khăn, nhưng đối với lực lượng tuyến đầu chống dịch, chỉ cần người dân được khỏe mạnh, dịch bệnh được khống chế và đẩy lùi thì họ - những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch vẫn sẵn sàng dấn thân, hy sinh vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của người dân.
Kim Hoàng
Ý kiến bạn đọc