Multimedia Đọc Báo in

“Cánh tay nối dài” trong phòng, chống dịch COVID-19

08:00, 29/03/2022

Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, các tổ COVID-19 cộng đồng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột đã phát huy vai trò, phối hợp với các lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch. Đồng thời là “cánh tay nối dài” của chính quyền các cấp trong việc tuyên truyền, vận động, giám sát cộng đồng, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch tại địa phương.

Đã nhiều tháng nay, ông Nguyễn Viết Phương, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ COVID-19 cộng đồng thôn 1 (xã Hòa Khánh), không có một giấc ngủ trưa trọn vẹn. Từ tháng 7/2021, khi dịch COVID-19 bùng phát trở lại với diễn biến phức tạp, ông Phương cùng với các thành viên trong tổ COVID-19 cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để tuyên truyền, nhắc nhở việc thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; phối hợp với lực lượng y tế xã hướng dẫn người dân tự theo dõi sức khỏe, khai báo y tế khi đi từ địa bàn khác về; kịp thời phát hiện những trường hợp nghi mắc COVID-19 để có biện pháp xử trí.

“Đến nay khi cuộc sống đã trở về trạng thái “bình thường mới”, chúng tôi vẫn tích cực hỗ trợ các lực lượng chức năng trong việc điều tra, giám sát dịch tễ, vận động nhân dân nghiêm chỉnh thực hiện 5K. Đồng thời, hỗ trợ các F0 điều trị tại nhà khi có nhu cầu mua lương thực, thực phẩm; nắm bắt thông tin về tình hình sức khỏe, hướng dẫn họ cách sử dụng thuốc, vệ sinh phòng bệnh…”, ông Phương chia sẻ.

Các thành viên Tổ COVID-19 cộng đồng buôn M'Brê, xã Hòa Phú tuyên truyền cho người dân về công tác phòng, chống dịch.

Theo chân các thành viên trong Tổ COVID-19 cộng đồng buôn M’Brê (xã Hòa Phú) những ngày này mới cảm nhận được tinh thần làm việc miệt mài, nhiệt huyết. Điện thoại của họ liên tục đổ chuông, khi thì người dân báo nhờ mua thực phẩm, khi hỏi các thủ tục hoàn thành điều trị bệnh tại nhà, rồi các triệu chứng nhiễm bệnh... Dù mệt nhưng họ luôn ân cần trả lời từng câu hỏi của người dân và phân công nhau tiến hành giúp đỡ ngay khi cần thiết. Cùng với đó, các thành viên trong tổ cũng lồng ghép tuyên truyền đến người dân thông tin về dịch bệnh, thực hiện các biện pháp phòng dịch cho bản thân, tránh kỳ thị đối với các trường hợp F0, cùng nhau đoàn kết đẩy lùi dịch bệnh... Theo chị H’Ngân Niê, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ COVID-19 cộng đồng buôn M’Brê, để hoạt động nền nếp, hiệu quả, hằng tuần tổ đều họp giao ban, phân chia nhiệm vụ, đánh giá những mặt làm được, hạn chế của từng thành viên để cùng khắc phục, chấn chỉnh. Nhờ đó, Tổ COVID-19 cộng đồng buôn M’Brê luôn nhận được sự tin yêu, hưởng ứng của người dân.

Chị Trần Thị Kiều Linh ở thôn 1 (xã Hòa Phú) cho biết, do công việc bận rộn thường xuyên, ít có thời gian theo dõi thông tin đại chúng, song nhờ sự tuyên truyền, hướng dẫn của Tổ COVID-19 cộng đồng thôn, chị đã hiểu hơn về dịch bệnh, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, với các trường hợp F0 điều trị tại nhà, ban đầu gia đình chị khá lo lắng, sợ có thể lây lan bệnh ra khu dân cư. Tuy nhiên, được sự tư vấn, hướng dẫn, thông tin kịp thời của các cán bộ y tế, thành viên trong tổ COVID-19 cộng đồng nên đã an tâm, cùng nhau thực hiện đầy đủ các quy định về phòng dịch, đảm bảo an toàn cho mình và mọi người.

Các thành viên tổ COVID-19 cộng đồng buôn Buôr, xã Hòa Xuân đến nhà người dân tuyên truyền về phòng, chống dịch.

Dù cuộc sống đang dần quay về trạng thái “bình thường mới” nhưng các tổ COVID-19 cộng đồng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột vẫn luôn được đặt trong trạng thái thường trực, phủ sóng khắp mọi nơi. Họ đã và đang ngày đêm miệt mài tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời tiến hành giám sát, phát hiện và báo chính quyền địa phương về những trường hợp không chấp hành các quy định phòng, chống dịch; vận động người dân thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 khi có thông báo của ngành y tế…

Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TP. Buôn Ma Thuột, hiện thành phố đã thành lập 1.750 tổ COVID-19 cộng đồng tại tất cả 21 xã, phường với gần 4.400 thành viên. Qua thời gian hoạt động của các tổ COVID-19 cộng đồng cho thấy hiệu quả và sự cần thiết, vì hầu hết các thành viên đều là người tại chỗ, nắm chắc địa bàn, tinh thần trách nhiệm cao, có uy tín, luôn tích cực với công việc. Các tổ đã phát huy tốt vai trò của mình, trở thành “cánh tay nối dài” của các ban chỉ đạo phòng, chống dịch cấp xã, phường trong việc phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.