Multimedia Đọc Báo in

Đề xuất F0, F1 đi làm - Những cân nhắc từ thực tiễn

09:56, 15/03/2022

Mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất một số nội dung điều chỉnh về cách ly y tế và biện pháp phòng tránh lây nhiễm COVID-19. Theo đó, người nhiễm SARS-CoV-2 (F0) không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly (7 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính) có thể tự nguyện tham gia làm việc.

Với những người là F1 chưa tiêm đủ liều hoặc chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương mình thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp.

Có thể nói, đề xuất trên của Bộ Y tế là phù hợp trong điều kiện tình hình dịch bệnh hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung. Bởi, theo nhận định của các chuyên gia, số ca nhiễm COVID-19 chủ yếu là do biến chủng Omicron.

Biến chủng mới này xuất hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk từ khoảng thời gian trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, với tốc độ lây lan rất nhanh. Con số ca mắc bệnh thực tế có thể cao hơn thống kê của ngành chức năng khi mà thực hiện hướng dẫn của Bộ Y tế về việc điều trị F0 tại nhà, nhiều người dân đã tự mua kit test nhanh COVID-19 về kiểm tra thấy mình dương tính với SARS-CoV-2 đã không khai báo y tế mà tự điều trị.

Việc không thực hiện đúng theo hướng dẫn của Bộ Y tế không hẳn là sự cố tình không tuân thủ hoặc hiểu sai hướng dẫn mà chủ yếu là do tình hình thực tế có những thay đổi quá nhanh khiến những quy định chính thức trở nên không còn phù hợp.

Từ đó, người thi hành dù muốn cũng khó có thể thực hiện đúng. Đã có nhiều ý kiến phản hồi về tình trạng thiếu nhân công lao động hoặc lãng phí nguồn nhân lực khi mà nhiều F0 không triệu chứng hoặc người F1 nguy cơ thấp thực hiện cách ly y tế. Đồng thời, chính quyền cấp xã dường như đã không còn đủ nhân lực để đáp ứng nhu cầu khai báo tình trạng F0 và F1 từ người dân.

Ảnh: Minh họa
Test nhanh COVID-19 tại nhà. (Ảnh: Minh họa)

Bên cạnh đó, về chuyên môn, nhiều ý kiến chuyên gia cho biết, định nghĩa F1, F0 hiện nay không còn nhiều ý nghĩa khi số các ca nhiễm đang tăng cao, đặc biệt là từ sự xuất hiện của biến chủng Omicron. Các định nghĩa F1, F0 này chỉ có ý nghĩa đối với những người điều tra dịch tễ như trung tâm kiểm soát bệnh tật, nhà quản lý sử dụng để truy vết, tìm kiếm chuỗi lây, thống kê số liệu… Đặc biệt, khi độ phủ vắc xin đã cao, nếu mắc bệnh thì tỷ lệ tử vong và chuyển nặng cũng rất thấp.

Mặt khác, về nhu cầu của các cá nhân và các đơn vị sử dụng lao động, trong bối cảnh những người thuộc diện F1 quá nhiều như hiện nay thì các F1 nguy cơ thấp, không tiếp xúc gần và lâu với F0 thường có nhu cầu được đi làm trực tiếp. Với những người thuộc diện F0 cảm thấy sức khỏe vẫn ổn và công việc phù hợp hoàn toàn có thể tự nguyện tham gia làm việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm bệnh trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị COVID-19. Thực tế ngành giáo dục hiện nay, rất nhiều giáo viên thuộc diện F0 vẫn thực hiện công việc giảng dạy online trong tình trạng sức khỏe cho phép.

Tuy nhiên, dịch bệnh COVID-19 vẫn tiềm ẩn những mối nguy hiểm cho cộng đồng. Vì vậy, khi đề xuất của Bộ Y tế được thông qua, các đơn vị sử dụng lao động nên có hướng dẫn cụ thể cho người lao động về các điều kiện áp dụng theo quy định để đảm bảo an toàn phòng dịch. Lúc này, những người thuộc diện F0 không triệu chứng và F1 cần có ý thức bảo vệ cộng đồng bằng cách thông báo với cơ quan, người xung quanh mình là F0, F1 để mọi người có biện pháp phòng ngừa. Ý thức tự giác của F0, F1 là rất quan trọng trong việc bảo vệ cộng đồng, góp phần kiểm soát rủi ro do dịch bệnh mang lại: không tiếp xúc gần với những người thuộc nhóm nguy cơ cao; khi có dấu hiệu của bệnh thì cần thông báo cho cơ quan, đơn vị để tạm cách ly, sau đó thực hiện xét nghiệm.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.