Khi “thiên thần áo trắng” cũng trầm cảm
Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, ở một số nơi nhân viên y tế bị nợ lương. Điển hình như Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Hà Nội) nợ 50% lương nhân viên đến 8 tháng, trong khi Bệnh viện Đa khoa Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam nợ 4 tháng. Tình trạng này gây xôn xao dư luận khiến Bộ trưởng Bộ Y tế phải chỉ đạo xử lý rốt ráo quyền lợi cho các “thiên thần áo trắng”.
Trong hai năm diễn ra dịch bệnh COVID-19, cả xã hội đã chứng kiến, cảm nhận rất rõ những hy sinh, cống hiến của đội ngũ y bác sĩ. Là công dân, họ cũng phải chịu những ảnh hưởng chung như người bình thường. Có nghĩa, “thiên thần” cũng phải ăn uống, sinh sống, lo cho gia đình; bị chậm lương trong thời gian dài như thế thì làm sao họ có thể trang trải cuộc sống, yên tâm lao lên tuyến đầu.
Nhưng, sang chấn tâm lý mới là vấn đề đáng chia sẻ với các “thiên thần áo trắng”. Mỗi chúng ta, có nhiều thời điểm chỉ đóng cửa trong nhà, hạn chế tiếp xúc tối đa mà không khỏi lo lắng. Chưa mắc bệnh COVID-19, nhiều người đã đổ bệnh vì căng thẳng (stress). Trong khi đó, hằng ngày đối diện với dịch bệnh, các nhân viên y tế càng mệt mỏi, căng thẳng gấp bội. Nhiều người bị phơi nhiễm, phải làm việc với cường độ cao, trong tình trạng cách ly, chứng kiến nhiều cái chết thương tâm, xử trí những bệnh nhân nặng. Thế nên, COVID-19 đã làm cho rất nhiều nhân viên y tế bị hội chứng "burned-out". Đây là trạng thái thể chất và tinh thần bị suy sụp do quá tải công việc và bị stress.
Một con số khảo sát mới được Bệnh viện Hùng Vương (TP. Hồ Chí Minh) công bố thực sự đáng lưu tâm. Bệnh viện này đã sử dụng Bộ công cụ đánh giá DASS-21 tiến hành khảo sát trên 466 nhân viên y tế. Kết quả cho thấy tỷ lệ nhân viên y tế có biểu hiện trầm cảm là 23,6%, lo âu là 42,9% và stress là 17,6%. Tiếp tục phân tích chuyên sâu về nguyên nhân cho thấy, 57,5% nhân viên y tế đã trải qua nhiều biến cố vì phải chứng kiến người thân, bạn bè mất vì COVID-19; 53,6% người cảm thấy bản thân bị kỳ thị vì làm việc trong môi trường y tế; 70,2% nhân viên y tế có người thân mất việc làm… Từ kết quả khảo sát này, Bệnh viện Hùng Vương đã triển khai thành công Chương trình nâng đỡ sức khỏe tinh thần cho nhân viên y tế, chiến thắng và vượt qua hội chứng "burned-out" do đại dịch COVID-19 gây ra.
Ảnh Internet |
Không chỉ riêng ngành y tế, tất cả các ngành khác cũng cần chú trọng đến việc cải thiện trạng thái tâm lý cho cán bộ, nhân viên mình. Bởi, hai năm qua dịch dã là quãng thời gian quá dài, tác động quá sâu rộng khiến hầu như ai cũng bị ảnh hưởng. Kể cả thời điểm hiện tại, khi vắc xin đã phủ rộng, nguy cơ tử vong thấp nhưng di chứng hậu COVID-19 đang là mối quan tâm, lo lắng của toàn xã hội. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố có khoảng 200 triệu chứng liên quan về hội chứng hậu COVID-19 (post COVID-19 condition). Tình trạng này có thể khiến sức khỏe người bệnh bị suy giảm kéo dài, có tác động nghiêm trọng đến khả năng quay trở lại làm việc, hoặc tham gia cuộc sống xã hội.
Hậu COVID-19 ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần, thể chất và có thể gây ra những hậu quả kinh tế rất lớn cho bản thân, gia đình và xã hội. Nếu bạn để ý xung quanh mình, từ phòng làm việc cơ quan đến bữa tiệc với bạn bè, có thể thấy rất nhiều âu lo về di chứng sau khi nhiễm con vi rút quái ác kia. Hiểu biết và cùng nhau vượt qua, trở lại trạng thái thực sự bình thường là việc phải hành động. Đến các “thiên thần áo trắng”, những người hiểu biết nhất về y khoa còn bị hội chứng "burned-out", thì người bình thường sao tránh khỏi.
Dù thế nào thì thời điểm khốc liệt nhất của đại dịch COVID-19 đã qua. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng sự bình an sẽ sớm quay trở lại.
Hữu Quý
Ý kiến bạn đọc