Multimedia Đọc Báo in

Tôn thêm nét đẹp đời thường

08:32, 08/03/2022

Tháng ba về, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm góp phần tôn thêm vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng của những người phụ nữ Việt Nam, đồng thời khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Lan tỏa từ các cuộc thi

Hướng tới kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, Hội LHPN huyện Krông Pắc đã tổ chức cuộc thi ảnh “Nét đẹp phụ nữ Krông Pắc”. Cuộc thi online thu hút đông đảo hội viên phụ nữ huyện tham gia với các tác phẩm ảnh thể hiện nét đẹp của người phụ nữ trong cuộc sống gia đình, lao động sản xuất và trong các bộ trang phục truyền thống...

Mang đến cuộc thi bức ảnh về một cô gái Êđê trong trang phục truyền thống với công việc thường ngày tại bến nước, chị H’Nga Kpơr (hội viên phụ nữ xã Ea Knuếc) đã giành giải Nhất của cuộc thi, được Ban tổ chức đánh giá cao về nội dung, ý tưởng; được hội viên phụ nữ đặc biệt yêu thích với hơn 350 lượt like và hơn 270 lượt chia sẻ trên Fanpage của Huyện Hội.

Các tác phẩm dự thi cuộc thi "Duyên dáng áo dài Việt Nam” được đăng tải trên Fanpage của Hội LHPN tỉnh.

Chị H’Nga chia sẻ: “Với người Êđê, bến nước là nơi hội tụ sức sống của buôn làng. Tôi lựa chọn khung cảnh bến nước với công việc lấy nước hằng ngày của người phụ nữ trong gia đình làm chủ thể chính của bức ảnh nhằm giới thiệu đến mọi người về phong tục, tập quán của người Êđê; đồng thời nhắn gửi những người con của buôn làng phải giữ gìn đời sống văn hóa, nhất là văn hóa của đồng bào dân tộc mình, có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng đầu nguồn để giữ gìn dòng nước tự nhiên của buôn làng”.

Với mục đích tuyên truyền sâu rộng về vẻ đẹp, ý nghĩa và lịch sử của áo dài; tôn vinh giá trị của áo dài trong đời sống xã hội, từ đó khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm giữ gìn, phát huy di sản văn hóa Việt Nam trong mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh tổ chức cuộc thi ảnh online “Duyên dáng áo dài Việt Nam”.

Cuộc thi với yêu cầu hội viên phụ nữ chụp ảnh áo dài ở tại các địa điểm lịch sử truyền thống, di tích, danh lam thắng cảnh của địa phương đã tạo sân chơi văn hóa bổ ích, không khí vui tươi phấn khởi cho toàn thể hội viên phụ nữ trên địa bàn. Ngoài các tác phẩm dự thi tôn lên nét đẹp của phụ nữ Việt, của văn hóa địa phương, nhiều đơn vị còn thực hiện bộ ảnh áo dài để truyền đi các thông điệp ý nghĩa về phòng, chống dịch COVID-19.

Chị Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ tịch Hội LHPN phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột) tâm sự: “Các giai đoạn phát triển với những cải biến, cách tân, sử dụng ngày càng đa dạng chất liệu, thiết kế kiểu dáng, màu sắc, hoa văn, chiếc áo dài Việt Nam đang cho thấy sức sống mạnh mẽ, vượt qua nhiều thử thách để vừa bảo lưu giá trị truyền thống tốt đẹp, tôn vinh người phụ nữ, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Bản thân tôi, là một cán bộ làm công tác Hội Phụ nữ tại cơ sở, khi được diện chiếc áo dài mang màu sắc riêng của Hội LHPN Việt Nam có màu xanh cùng hình ảnh chim bồ câu trắng ngậm cành lúa, tôi cảm thấy rất tự tin vì trang phục đã truyền tải mong muốn lan tỏa thông điệp hòa bình, thịnh vượng ấm no đến tất cả mọi người”.

Tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Việt

Những ngày đầu tháng ba, không khó bắt gặp hình ảnh các chị em diện tà áo duyên dáng tại cơ quan, công sở, trường học, tham gia các sự kiện và "nhuộm sắc" trên mạng xã hội. Đây là nội dung của “Tuần lễ áo dài” do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động trên toàn quốc từ ngày 1 đến 8/3/2022, được hội viên phụ nữ toàn tỉnh tích cực tham gia; rạng rỡ và tự hào khoác lên mình trang phục truyền thống.

Phụ nữ Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ trong trang phục áo dài tại đơn vị.
 

“Mặc áo dài hay trang phục truyền thống dân tộc trong các dịp quan trọng luôn là niềm tự hào, cũng như trách nhiệm giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa của đất nước của hội viên phụ nữ”

 
Chị Nguyễn Thị Vân Anh, Chủ tịch Hội LHPN phường Thắng Lợi (TP. Buôn Ma Thuột)

Để tất cả các chị em đều có áo dài truyền thống hưởng ứng tuần lễ cũng như "diện" trong các dịp đặc biệt, ngày lễ lớn của đất nước, Hội LHPN xã Ea Na (huyện Krông Ana) đã huy động được hơn 100 bộ áo dài gửi tặng chị em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Chị Hòa Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Na cho biết: “Với chị em là cán bộ, viên chức, người lao động trong đơn vị hành chính, sự nghiệp, việc khoác lên mình những chiếc áo dài duyên dáng ngày thứ hai đầu tuần hay những dịp sinh hoạt của đơn vị là khá phổ biến. Nhưng với các hội viên phụ nữ là người lao động, làm nông hay buôn bán thì thi thoảng mới được mặc áo dài và cũng không mấy chị có được áo dài để mặc. Chương trình vận động, quyên góp áo dài mang ý nghĩa chia sẻ, giúp đỡ đã góp phần động viên chị em còn khó khăn tham gia các hoạt động. Hơn thế còn là sự gắn kết, chia sẻ giữa các chị em”.

Với Hội Phụ nữ Công an tỉnh, hơn một tuần qua hình ảnh chị em trong trang phục áo dài truyền thống được "phủ sóng" mỗi ngày trên Fanpage của đơn vị. Chị Phạm Thị Thu Thảo (Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ) cho hay: “Thông thường chị em nữ công an ngày thường nhìn ai cũng giống nhau vì mặc quân phục; trong suy nghĩ của mọi người, phụ nữ công an luôn rắn rỏi, cứng cỏi, nghiêm nghị nhưng qua tuần lễ áo dài cũng như các cuộc thi do Hội tổ chức, chúng tôi có cơ hội được thay đổi bằng sự mềm mại, duyên dáng của áo dài, để mọi người thấy phụ nữ công an cũng dịu dàng như bao chị em khác”.

Anh Phương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.