Multimedia Đọc Báo in

“Bài toán” tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ em

06:35, 25/04/2022

Trong bối cảnh biến chủng Omicron của vi rút SARS-CoV-2 bùng phát, nhiều nước tập trung tiêm chủng cho đối tượng thanh thiếu niên và trẻ em từ 5 - 11 tuổi để ngăn ngừa bệnh lây lan. Hiện nay, hơn 42 quốc gia, vùng lãnh thổ đã, đang và sắp triển khai động thái này.

Cụ thể từ tháng 11/2021, Mỹ đã phê duyệt vắc xin Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi, cùng lúc Canada phê duyệt vắc xin Pfizer. Tháng 2/2022, Chính phủ Anh cũng đã phê duyệt tiêm vắc xin cho trẻ từ 5 - 11 tuổi với liều bằng 1/3 của người lớn (10 microgram cách nhau 12 tuần mỗi liều). Từ tháng 12/2021, châu Âu cũng đã bắt đầu tiêm chủng vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Tại châu Á, Singapore, Thái Lan, Malaysia đã tiêm vắc xin Pfizer cho trẻ ở nhóm tuổi này. Singapore bắt đầu tiêm từ tháng 11/2021, Thái Lan thì từ tháng 2/2022. Trong khi đó Trung Quốc chỉ sử dụng vắc xin Sinopharm và Sinovac cho trẻ từ 3 tuổi trở lên.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Ngay từ sớm, Chính phủ Việt Nam đã đồng ý mua gần 22 triệu liều vắc xin để tiêm phòng cho trẻ từ 5 - 11 tuổi. Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long vào tháng 1/2021 đã nói rằng: "Khi có vắc xin này, chúng ta sẽ triển khai tiêm từng bước thận trọng, chắc chắn, đảm bảo vấn đề an toàn tiêm chủng được đặt lên hàng đầu, trước hết và trên hết".

Những ngày qua, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, hai đô thị lớn nhất đất nước cùng một vài địa phương đã tiến hành tiêm vắc xin cho trẻ em từ 5 - 11 tuổi. Thế nhưng, ngay khi triển khai, tỷ lệ tiêm ở hai thành phố này vẫn chưa cao, lý do là: Nhiều phụ huynh chưa đồng thuận.

Thực ra ngay ở các nước tiên tiến việc tiêm vắc xin cho trẻ em cũng gặp không ít rào cản từ phụ huynh. Ngay từ khi dịch bùng phát, các nhà khoa học đã hết sức cân nhắc, thực tế đã ưu tiên nghiên cứu, chế tạo vắc xin cho người lớn trước. Nếu như nhóm 15 - 17 tuổi thể trạng cơ bản đã phát triển tương đối ổn định, thì từ 5 - 11 tuổi là nhóm tuổi hết sức nhạy cảm bởi cơ thể chưa phát triển hoàn thiện, nỗi lo lắng về tác dụng phụ của vắc xin cũng là dễ hiểu.

Câu chuyện tiêm vắc xin cho trẻ em còn mang tính “thời điểm lịch sử”. Nhiều phụ huynh còn nhận định rằng dịch bệnh tại Việt Nam đã được khống chế, ca nhiễm mới giảm, tỷ lệ trẻ mắc COVID-19 chuyển viện không cao, nhiều đứa trẻ nhiễm COVID-19 hồi phục rất nhanh, thậm chí không có triệu chứng, vì vậy họ chưa vội cho con tiêm vắc xin phòng COVID-19.

Song thiết nghĩ, khi các nước phát triển trên thế giới đã tiến hành tiêm cho trẻ em nhóm ít tuổi nhất thì đấy là cơ sở tin cậy để Việt Nam triển khai. Vấn đề là công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh để các bậc phụ huynh nhận thức được việc tiêm vắc xin mang lại lợi ích rất lớn cho cộng đồng về lâu dài. Công tác tiêm phải đúng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như khuyến cáo của Bộ Y tế. Bộ Y tế cũng nên căn cứ vào tình hình thực tế diễn biến dịch để ban hành các chính sách tiêm chủng thật sự chính xác, linh hoạt, hiệu quả ở mọi thành phần, chứ không riêng nhóm từ 5 - 11 tuổi.

Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.