Hiến máu cứu người: Hạnh phúc là cho đi
“Tâm lý của mình lúc nào cũng thấp thỏm, điện thoại phải luôn bên mình, không được tắt chuông để khi có cuộc gọi cần máu lập tức điều phối ngay. Dẫu bận rộn nhưng bản thân luôn cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc với những gì mình đang làm”.
Đó là lời tâm sự của anh Lê Văn Bình (SN 1987), điều phối viên Câu lạc bộ (CLB) Hiến máu khu vực Tây Nguyên, cũng là người có gần 50 lần hiến tiểu cầu cứu bệnh nhân gặp nguy cấp.
Chúng tôi có mặt tại Khoa xét nghiệm (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) vào một ngày trung tuần tháng 4, lúc này anh Lê Văn Bình đang tất bật với công việc điều phối máu cho bệnh nhân tại đây. Chuông điện thoại của anh reo liên tục bởi những cuộc gọi từ người nhà bệnh nhân cần máu cũng như tình nguyện viên tham gia hiến máu.
Anh Bình chia sẻ, bản thân tham gia CLB Hiến máu khu vực Tây Nguyên đã 9 năm nhưng khoảng 7 tháng nay, anh đảm nhận vai trò mới là điều phối viên của CLB, phụ trách điều phối máu cho bệnh nhân cần máu tại các bệnh viện trong khu vực Tây Nguyên.
Những tháng qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lượng máu dự trữ tại các bệnh viện khan hiếm, bởi thế công việc của anh có phần bận rộn hơn trước, trung bình mỗi ngày anh điều phối khoảng 40 tình nguyện viên tham gia hiến máu, ngày nhiều nhất con số tình nguyện viên có thể lên tới 80.
Anh Lê Văn Bình tham gia hiến tiểu cầu. |
Chị Lương Thị Dung (xã Ea Wy, huyện Ea H’leo) có con trai 8 tháng tuổi bị thiếu máu nặng, cần phải truyền máu định kỳ để duy trì sự sống. Thông qua CLB, đã có tình nguyện viên đến cho máu khiến bản thân chị cảm thấy rất biết ơn những tấm lòng nhân ái. Chị nói rằng những lần sau sẽ liên hệ với CLB để nhờ giúp đỡ, hy vọng CLB sẽ huy động được nguồn máu cho con trai của mình.
Hằng ngày, sau khi nhận thông tin từ các ca bệnh cần máu, anh Bình sẽ đăng bài lên trang Facebook của CLB để huy động người tham gia. Anh cũng lập danh sách quản lý nhóm máu của các tình nguyện viên, khi có những trường hợp khẩn cấp anh sẽ trực tiếp gọi điện cho các tình nguyện viên để cho máu kịp thời. Nhiều tình nguyện viên dù bận rộn hay ở xa, có khi ở các tỉnh khác nhưng vẫn luôn sẵn sàng đến bệnh viện để hiến máu, có người phải dắt theo cả con nhỏ. Bởi thế, anh Bình luôn cố gắng theo dõi tình nguyện viên từ khâu làm thủ tục, hiến máu cho đến khi ra về để có thể hỗ trợ kịp thời.
“Những việc làm của mình là tự nguyện, hoàn toàn xuất phát từ cái tâm, dù không nhận được bất kỳ khoản trợ cấp nào nhưng được nhìn thấy bệnh nhân vượt qua bệnh tật, phục hồi sức khỏe, được nhận những lời cảm ơn chân thành từ họ có lẽ là điều hạnh phúc nhất. Bản thân mình cũng sẽ cố gắng dung hòa công việc trong cuộc sống để có thể gắn bó lâu dài với việc làm ý nghĩa này”. anh Lê Văn Bình, điều phối viên Câu lạc bộ Hiến máu khu vực Tây Nguyên. |
Gần 50 lần hiến tiểu cầu cho bệnh nhân gặp nguy cấp, trong ký ức của anh Bình là những lần đi vội vã, là những kỷ niệm vui buồn không thể nào quên. Tham gia hiến máu từ khi vừa đủ 18 tuổi, anh Bình hiến máu được khoảng 10 lần và đến năm 2016 thì bắt đầu hiến tiểu cầu. Từ đó đến nay, anh dành tiểu cầu hiến cho bệnh nhân nguy kịch. Mỗi khi nhận được cuộc gọi cần máu khẩn cấp, không quản ngại gió mưa, đêm hôm, anh vội bật dậy đi ngay với suy nghĩ có thể cứu bệnh nhân nhanh nhất có thể. Những lần đi hiến tiểu cầu trong đêm có lẽ đã không còn xa lạ với anh. Mới đây, khi vừa khỏi ốm được nửa tháng, anh cũng tham gia hiến tiểu cầu cho một ca sản phụ nguy kịch.
Cảm thấy hạnh phúc khi được sẻ chia giọt máu của mình, anh Bình cũng có những lúc đau lòng khi bệnh nhân không thể vượt qua bệnh tật. Như năm 2021, anh hiến tiểu cầu liên tiếp 10 tháng trời cho một ca bệnh có nhà ở huyện Ea H’leo, bị suy tủy cấp độ 3 cần truyền tiểu cầu để duy trì sự sống. Tuy nhiên do tình trạng bệnh quá nặng, sau đó bệnh nhân không qua khỏi. “Lúc đó mình cảm thấy buồn, bất lực và tiếc nuối. Bởi dù mình có sẵn sàng hiến tiểu cầu nữa thì cũng không thể cứu sống được bệnh nhân”, anh Bình tâm sự.
Anh Lê Văn Bình (bên trái) hướng dẫn làm thủ tục đăng ký hiến máu cho tình nguyện viên. |
Tất bật với công việc điều phối máu, những tháng gần đây anh Bình hầu như “thường trú” ở bệnh viện, chỉ hai ngày cuối tuần mới trở về nhà tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) với công việc quen thuộc là nghề làm tóc. Từ sáng sớm tinh mơ đến khoảng chiều tối, có khi đến tận khuya, mỗi ngày của anh trôi qua một cách bận rộn và ý nghĩa với chiếc điện thoại bên mình đổ chuông không ngớt. Việc làm của anh tuy bình dị mà ý nghĩa, mang đến hy vọng cho biết bao bệnh nhân đang đứng trước lằn ranh sinh tử.
Nguyễn Huyền
Ý kiến bạn đọc