Multimedia Đọc Báo in

"Kết nối" dòng sữa ngọt lành

06:39, 11/04/2022

Gần hai năm qua, Dự án “Tủ sữa mẹ miễn phí” của chàng trai Hoàng Công Minh cùng các tình nguyện viên tại phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) đã trở thành nhịp cầu lan tỏa dòng sữa ngọt lành giữa những người cho và nhận sữa mẹ.

Sinh con đã là một hành trình vất vả với người làm mẹ, nhưng với chị Mai Thị Tuyến (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột), khó khăn ấy như nhân lên bội lần. Mang thai ba, chị Tuyến lại sinh non (thai mới 30 tuần tuổi) nên các con chỉ cân nặng chưa đầy 1,5 kg, phải ấp lồng kính cả tháng trời. Khi con được 3 tháng tuổi, chị bị sốt, phải dùng kháng sinh nên gần như khô sữa. Vất vả nối tiếp nhau khiến bà mẹ trẻ không tránh khỏi mệt mỏi, áp lực.

Tình nguyện viên kiểm tra thông tin trước khi tặng sữa.

Chị Tuyến cho biết, bởi các con non yếu, lại cần sữa mẹ nên chị đã lùng tìm trên các trang mạng, tham gia hội nhóm các bà mẹ trẻ để tìm sự sẻ chia, giúp đỡ. Thật may mắn vì giữa lúc bản thân căng thẳng, chị biết được có điểm tặng sữa mẹ miễn phí. Từ đó, gần cả năm trời, tủ sữa mẹ miễn phí trở thành nguồn cung cấp dinh dưỡng thiết yếu giúp các con chị phát triển khỏe mạnh, tăng cân đều đặn. Thấy hữu ích, chị Tuyến đã chia sẻ thông tin đến nhiều bà mẹ có cùng nhu cầu.

Tủ sữa mà chị Tuyến nhiều lần nhắc đến ấy là do anh Nguyễn Công Minh cùng các tình nguyện viên lên ý tưởng và thực hiện. Là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hiến máu khu vực Tây Nguyên, nhiều năm qua, anh Minh thường xuyên lui tới bệnh viện tham gia hiến máu. Không ít lần chứng kiến trẻ sinh non cần sữa mẹ, nhưng vì mẹ thiếu sữa hoặc qua đời, anh đã nhờ các mối quan hệ để tìm cách hỗ trợ các bé. Đăng tải thông tin lên mạng xã hội và kêu gọi mọi người cùng tham gia, anh Minh nhận được phản hồi tích cực, nhiệt tình của nhiều bà mẹ trong và ngoài tỉnh.

Cũng từ đây, tủ sữa mẹ miễn phí của chàng trai chưa vợ dần lan tỏa. Gần hai năm duy trì, anh cùng các tình nguyện viên đầu tư thêm các tủ cấp đông chuyên dụng để bảo quản sữa được tốt nhất. Để an toàn cho các bé, nhóm của Minh chỉ nhận nguồn sữa đảm bảo sạch sẽ, vì hầu hết các bé cần sữa đều có thể trạng yếu, nếu nguồn sữa không bảo đảm có thể nguy hiểm đến tính mạng. Trước khi tiếp nhận nguồn cho, nhóm đều hỏi kỹ thông tin, sức khỏe từng người. Trên các túi trữ sữa đều có ghi thời gian cụ thể nhằm kiểm soát chất lượng, hạn dùng.

Anh Minh cho hay, bắt tay vào thực hiện dự án, mới đầu bản thân cũng hơi ngại vì chưa lập gia đình, chưa có con, nhưng rồi quen dần và nhận được sự thấu hiểu. Hàng chục bà mẹ đã tìm đến địa chỉ để cho sữa thường xuyên. Có trường hợp ở xa, không thể mang đến điểm nhận, anh và các tình nguyện viên thay nhau đến lấy. Đặc biệt cảm động khi nhiều trường hợp ở các huyện, hoặc tận tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh cũng đóng thùng, cấp đông cẩn thận để gửi tặng dự án.

Nguồn cung dồi dào ấy đã giúp nhiều bà mẹ trẻ giảm bớt áp lực chăm sóc con, nhất là với những người khó khăn, sinh đôi, sinh ba, sinh non cần nhiều sữa mẹ. Minh cho biết, không chỉ cho tại điểm cố định, khi có người cần sữa gấp, anh cùng các tình nguyện viên sẵn sàng mang đến tận nơi. Đơn cử như gần đây, nhóm anh đã nhiều lần đến bệnh viện để hỗ trợ sữa cho các bé sinh non, có mẹ dương tính với SARS-CoV-2 đang phải cách ly điều trị.

Anh Hoàng Công Minh (bên phải) tặng sữa mẹ cho một gia đình tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Nhà ở xa, lại bận chăm con nhỏ nên chị Nguyễn Thị Hoa (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) thường liên hệ xin sữa qua các kênh trên địa bàn mà anh Minh cung cấp. Gần cả năm trời như thế, tất cả mọi người vẫn đều nhiệt tình hỗ trợ khi chị cần. “Nhìn thấy con khỏe mạnh, bụ bẫm, đáng yêu, mình càng trân quý tấm lòng của anh Minh và các tình nguyện viên trong nhóm. Tủ sữa mẹ của nhóm thực sự hữu ích và quý giá đối với những người mẹ như mình” - chị Hoa tâm tình.

Nhận thấy nhu cầu cho và nhận giữa các mẹ trẻ ngày càng nhiều, Minh đang ấp ủ sẽ phát triển, lan tỏa thành nhiều điểm trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Là dự án thiện nguyện nên anh mong sẽ có thêm những tình nguyện viên có tâm cùng đồng hành để giúp đỡ thêm nhiều gia đình, trẻ nhỏ...

Dự án Tủ sữa mẹ miễn phí của anh Minh và các tình nguyện viên đã giúp nhiều trẻ em được tiếp cận nguồn dinh dưỡng quý giá đầu đời. Tuy nhiên, để dự án hoạt động hiệu quả, nhóm bạn trẻ luôn phải lưu ý đến chất lượng nguồn sữa.

PGS.TS. Bác sĩ Bùi Quốc Thắng, nguyên giảng viên Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh cho biết, sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho trẻ và ý tưởng thực hiện Tủ sữa mẹ miễn phí cũng rất tốt, ý nghĩa. Tuy nhiên xây dựng tủ sữa mẹ cần phải khoa học, kỹ lưỡng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của đứa trẻ tiếp nhận. Sữa mẹ cho tặng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm như HIV, viêm gan siêu vi B, viêm gan siêu vi C, CMV (cytomegalovirus), giang mai... dù bề ngoài họ trông có vẻ khỏe mạnh. Bên cạnh đó, cách vắt sữa, nguồn sữa thu được phải đảm bảo sạch sẽ, vô trùng, dụng cụ lấy sữa phải được tiệt trùng đúng cách. Hơn nữa, cách lấy sữa, thời điểm lấy sữa của người cho phải đảm bảo chất lượng, đầy đủ chất dinh dưỡng, nhất là chất béo có trong sữa… Thực tế, ngân hàng sữa mẹ đã được thực hiện từ lâu, nhiều bệnh viện trong cả nước đã triển khai với quy trình rất kỹ lưỡng. Chính vì vậy, để dự án này tốt và hiệu quả nhất, người thực hiện cần lưu ý đến nhiều vấn đề.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.