Multimedia Đọc Báo in

Nhức nhối nỗi đau đuối nước

07:47, 28/04/2022

Gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn đuối nước thương tâm, để lại nỗi đau đớn, xót xa không thể bù đắp nổi cho mỗi gia đình, người thân của người bị nạn. Và điều này không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo mà còn đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các cấp, ngành, địa phương cần đẩy mạnh công tác phòng, chống đuối nước thiết thực, hiệu quả hơn nữa...

Nỗi đau người ở lại…

Đã hai tuần trôi qua, nhưng chị Nguyễn Thị Huyền ở thôn Ea Lê (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) vẫn chưa nguôi nỗi đau khi mất đi hai đứa con gái do tai nạn đuối nước. Buổi chiều định mệnh ngày 10/4 vừa qua, hai đứa con gái 15 tuổi và 10 tuổi của chị Huyền cùng một bạn hàng xóm đi mò ốc ở ao gần nhà... Không ngờ, lần đi mò ốc ấy đã khiến ba em ra đi mãi mãi.

Chị Nguyễn Thị Anh ở buôn Ea Dho (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) chưa nguôi nỗi đau mất ba đứa con do đuối nước.

Mới đây, chiều 18/4, tại xã Hòa An (huyện Krông Pắc) cũng xảy ra vụ đuối nước đau lòng. Nhóm 5 học sinh Trường Tiểu học Trần Phú rủ nhau ra đập nước Bà Tỵ (thôn Thăng Tiến 2, xã Hòa An) chơi. Trong lúc chơi đùa, ba em bị trượt chân ngã xuống hố nước sâu. Hai em trên bờ hô hoán song khi người lớn chạy đến cứu vớt thì cả ba em đã tử vong.

Trước đó, tại xã Cư Pơng (huyện Krông Búk) cũng xảy ra vụ tai nạn đuối nước thương tâm khiến ba em nhỏ trong một gia đình ở buôn Ea Dho tử vong.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, giai đoạn 2018 - 2021, trên địa bàn tỉnh có 242 trẻ bị tử vong do tai nạn đuối nước. Riêng năm 2022, tính đến thời điểm ngày 18/4 đã xảy ra 8 vụ tai nạn đuối nước khiến 16 trẻ tử vong. Từ các vụ đuối nước cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em như: trẻ không biết bơi; cha mẹ mải mưu sinh mà không có thời gian chăm sóc con cái; kỹ năng cứu đuối và sơ cấp cứu khi trẻ bị đuối nước chưa phổ biến rộng rãi. Mặt khác, Đắk Lắk là tỉnh có nhiều ao, hồ, sông, suối, đập thủy lợi, đặc biệt là có nhiều ao, hồ tự phát không được rào chắn, lắp đặt biển cảnh báo, trẻ mải chơi không lường được nguy hiểm, dẫn đến đuối nước thương tâm…

Đẩy mạnh công tác phòng, chống đuối nước

Theo ông Nguyễn Duy Tuyết, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở LĐ- TB&XH), để phòng, tránh đuối nước trẻ em thì công tác tuyên truyền cũng như việc dạy các kỹ năng an toàn cho trẻ là đặc biệt quan trọng. Bên cạnh việc gia đình quan tâm quản lý, giám sát con em mình, trang bị cho con kiến thức, kỹ năng sống thì các cấp, ngành cần tiếp tục thực hiện xây dựng ngôi nhà an toàn, trường học an toàn, cộng đồng an toàn và tạo thêm sân chơi lành mạnh cho trẻ để phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em nói chung, đuối nước nói riêng…

Tăng cường cảnh báo phòng, chống đuối nước ở ao, hồ, sông, suối.

Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội Nguyễn Duy Tuyết thông tin thêm: Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước ở trẻ em. Trong đó, nhấn mạnh đến trách nhiệm của người đứng đầu ở địa phương xảy ra các vụ việc tai nạn thương tích nghiêm trọng, có trẻ tử vong. Bên cạnh đó, nhiều giải pháp phòng, chống tai nạn thương tích đã được tỉnh triển khai như: Phát động phòng, chống đuối nước hằng năm; tập huấn phòng, chống tai nạn thương tích cho cán bộ làm công tác trẻ em; tổ chức nói chuyện chuyên đề về kỹ năng sống; treo băng rôn, cờ phướn, phát tờ rơi; phối hợp triển khai dự án “Hỗ trợ các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước ở trẻ em” tại hai huyện Cư M’gar và Ea Kar…

Đối với ngành GD-ĐT, công tác giáo dục phòng, chống đuối nước cho học sinh được ngành quan tâm, triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là đầu tư bể bơi trong trường học còn hạn chế. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh mới chỉ có 58 trường học có bể bơi. Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Tường Hiệp cho biết, thời gian tới, Sở sẽ ban hành tài liệu, sổ tay, cẩm nang phòng, chống đuối nước đến học sinh, phụ huynh; tổ chức các cuộc thi thể dục thể thao, thành lập câu lạc bộ bơi lội; chỉ đạo Phòng GD-ĐT cấp huyện phối hợp với nhà văn hóa, trung tâm văn hóa, hồ bơi tư nhân trên địa bàn để tổ chức các lớp dạy bơi cho trẻ em…

Lan Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.