Multimedia Đọc Báo in

Sắc màu sân chơi cho trẻ em vùng sâu

08:09, 06/04/2022

Ngỡ ngàng, thích thú, vui sướng… đó là cảm xúc của học sinh vùng sâu khi dự án “Sân chơi cho em” được triển khai ngay tại điểm trường, buôn làng của mình. Những trò chơi liên hoàn giúp các em tăng cường vận động thể chất, khơi dậy sự sáng tạo, yêu thích đến trường.

Hơn một tháng nay, khoảng sân đất của phân hiệu Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân (thôn Đại Thành, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) được trang trí bằng nhiều trò chơi với sắc màu rực rỡ, thu hút nhiều học sinh đến chơi đùa, trải nghiệm. Say sưa bên những trò chơi mới, em Đỗ Trung Kiên (lớp 4B, Trường Tiểu học Bùi Thị Xuân) hào hứng chia sẻ: “Trước đây, không có sân chơi, ngoài giờ học em và các bạn theo cha mẹ đi lên nương rẫy, hoặc đuổi bắt trên đồng cỏ. Bây giờ, trường em đã có sân chơi với nhiều trò chơi, em rất thích”.

Sân chơi cho em tại xã Yang Mao, huyện Krông Bông.

Anh Y Wal Mlô, Bí thư Huyện Đoàn Cư M’gar cho biết, dự án “Sân chơi cho em” được bàn giao tại xã Ea M’droh vào ngày 26/2 gồm: 1 khu vui chơi, 4 tủ sách và 1 hệ thống lọc tinh khiết giúp các em nơi đây có khu vui chơi sau những giờ học trên lớp. Dịp này, Huyện Đoàn phối hợp với các nhà hảo tâm, câu lạc bộ cũng đã trao tặng hàng trăm suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, 5 xe đạp, 38 thẻ bảo hiểm y tế cho thiếu nhi; tặng hàng nghìn khẩu trang y tế, dung dịch nước sát khuẩn cho Đoàn xã Ea M’droh.

Được biết, dự án “Sân chơi cho em” là dự án cộng đồng nhằm mang tới những sân chơi miễn phí, giáo dục lành mạnh cho trẻ em tại các buôn làng Tây Nguyên do nhóm Kết nối yêu thương cùng Doanh nghiệp xã hội Bồ Công Anh đứng ra vận động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng và tổ chức thực hiện. Mỗi sân chơi gồm các trò chơi liên hoàn như: tháp tam giác, cầu ziczac, cầu trượt gỗ, bậc nhảy, xích đu, cầu thăng bằng, lốp xe trang trí...

Dự án được thực hiện từ năm 2021, với kinh phí mỗi sân chơi khoảng 30 triệu đồng, đến nay đã có 6 sân chơi được hình thành tại các vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh như: xã Ia Jlơi (huyện Ea Súp), xã Cư San (huyện M’Drắk), xã Vụ Bổn (huyện Krông Pắc), xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar), xã Yang Mao (huyện Krông Bông), xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột).

Học sinh xã Ea M'droh (huyện Cư M'gar) trải nghiệm trò chơi. 

Theo anh Phạm Thanh Tuấn, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Bồ Công Anh, nhằm mục đích phát triển cộng đồng và mang tới cho thiếu nhi người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên một sân chơi giáo dục với các trò chơi vận động, phát triển trí tuệ toàn diện, Nhóm thiện nguyện Kết nối yêu thương, Doanh nghiệp xã hội Bồ Công Anh đã phối hợp cùng tổ chức Đoàn địa phương triển khai thực hiện dự án “Sân chơi cho em”, xây dựng sân chơi miễn phí cho trẻ em trong độ tuổi mầm non và tiểu học tại các buôn bản, điểm trường vùng sâu, vùng xa ở Tây Nguyên.

Dự án “Sân chơi cho em” đặt mục tiêu trong năm 2022 sẽ vận động kinh phí thực hiện và trao tặng 10 sân chơi cho các buôn làng, điểm trường vùng sâu tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Mỗi điểm sân chơi, dự án dành tặng một tủ sách cộng đồng, đèn chiếu sáng năng lượng mặt trời hoặc bồn đựng nước. Bên cạnh đó, khi bàn giao sân chơi, các đơn vị phối hợp sẽ cùng tham gia tổ chức hoạt động, tặng quà khuyến học, khuyến đọc cho các em, cũng như trồng thêm cây xanh để giáo dục bảo vệ môi trường cho học sinh…

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.