Multimedia Đọc Báo in

Tạo sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số

08:23, 14/04/2022

Qua hơn một năm triển khai, đợt thi đua đặc biệt “100 hoạt động, phần việc hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo” do Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh phát động đã bước đầu giúp nhiều hội viên phụ nữ vươn lên trong cuộc sống.

Gia đình chị H’Lóa Niê ở buôn Sah B, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar) thuộc diện khó khăn tại địa phương, không có đất sản xuất, công việc của vợ chồng chị không ổn định. Đầu năm 2021, chị được Hội LHPN huyện hỗ trợ một cặp dê giống trị giá 10 triệu đồng, đến nay dê đã sinh sản 2 lứa, tạo nguồn thu hơn 40 triệu đồng.

Chị H’Lóa cho hay: “Ngoài hỗ trợ dê giống, cán bộ Hội Phụ nữ thường xuyên ghé thăm động viên gia đình, đồng thời nhờ cán bộ thú y hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi cũng như phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Nhờ được hỗ trợ kịp thời mà gia đình tôi với 5 nhân khẩu có thêm kế sinh nhai, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”.

Hội LHPN xã Dray Sáp (huyện Krông Ana) trao vốn hỗ trợ mô hình "Hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số chăn nuôi dê" tại địa bàn.

Nhằm giúp phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi nhận thức, biết vận dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất; sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả; tham gia các hoạt động để tiếp cận thông tin, kiến thức mới về khoa học kỹ thuật; kiến thức về tổ chức cuộc sống gia đình, tháng 6/2021, Hội LHPN xã Cư Elang (huyện Ea Kar) đã triển khai mô hình “Chăn nuôi bò sinh sản và cải tạo vườn tạp trồng cây lúa nước của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số tại chỗ” ở buôn Ea Rớt, gồm 10 thành viên.

 

Công trình thi đua đặc biệt “100 hoạt động/phần việc hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo" của Hội LHPN tỉnh Đắk Lắk là một trong số 13 công trình, phần việc tiêu biểu, xuất sắc nhất được Hội LHPN Việt Nam lựa chọn trong đợt phát động thi đua chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.

Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, Hội LHPN xã thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn các chị em lên kế hoạch chi tiêu trong gia đình phù hợp với điều kiện; chủ động, tự tin, dám nghĩ, dám làm, thay đổi phương thức trồng trọt, chăn nuôi đã lạc hậu, kinh tế thấp, không an toàn và ảnh hưởng xấu đến môi trường. Hiện nay, không chỉ có các thành viên trong mô hình mà đa số chị em trong buôn đều đã biết tận dụng, khai thác đất xung quanh nhà để trồng lúa, trồng rau, chăn nuôi gia súc, gia cầm cải thiện đời sống sinh hoạt hằng ngày của gia đình….

Hướng ứng đợt thi đua đặc biệt, Hội LHPN huyện Krông Ana đã thực hiện 9 công trình hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo, hỗ trợ nguồn vốn từ 5 - 10 triệu đồng/mô hình. Trong đó có 1 mô hình dệt thổ cẩm, 6 mô hình nuôi dê sinh sản, 1 mô hình nuôi gà và 1 mô hình nuôi heo. Ngoài ra, Hội cũng phối hợp tổ chức 5 lớp dạy các nghề như chăn nuôi, may dân dụng cho 125 hội viên phụ nữ địa phương. Chị Lê Thị Thanh Hảo, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Ana cho biết: “Thực tế cho thấy, hỗ trợ sinh kế là một trong những biện pháp hiệu quả giúp phụ nữ dân tộc thiểu số thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm. Hiện nay trên địa bàn, nhiều chị em đã mạnh dạn bắt tay vào đầu tư, phát triển các mô hình kinh tế mới trên cơ sở sự hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, cây con giống, ngày công của Hội cũng như các tổ, nhóm liên kết cùng phát triển kinh tế”.

Cán bộ Hội LHPN huyện Cư M'gar tham quan mô hình phát triển kinh tế của hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số xã Ea Tul.

Đợt thi đua đặc biệt “100 hoạt động/phần việc hỗ trợ sinh kế cho phụ nữ dân tộc thiểu số nghèo” chào mừng Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp trong tỉnh và Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII được triển khai từ tháng 2/2021. Thông qua hướng dẫn từ Tỉnh hội, hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố, đơn vị trực thuộc đã cụ thể hóa nội dung thi đua, tổ chức triển khai thực hiện Đợt thi đua đặc biệt phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị. Qua một năm triển khai, các đơn vị đã thực hiện 525 hoạt động/phần việc (mô hình sinh kế, mở lớp hỗ trợ kiến thức sản xuất, chăn nuôi cho phụ nữ dân tộc thiểu số khó khăn tại địa phương) với tổng kinh phí hơn 4,6 tỷ đồng, đạt 256% kế hoạch đề ra.

Cùng với việc hỗ trợ về vốn, giúp đỡ về cây, con giống, ngày công lao động, các cấp hội thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tổ chức dạy nghề, tư vấn giới thiệu việc làm cho phụ nữ; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, chuyển giao, áp dụng tiến bộ mới về khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, hướng dẫn cách phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; phổ biến kiến thức, kinh nghiệm làm ăn, nâng cao kiến thức, kỹ năng tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm; phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong đó phải kể đến các công trình thi đua tiêu biểu như: “Vườn rau hạnh phúc” (Hội LHPN huyện Cư M’gar); “Vườn - ao - chuồng trong phát triển kinh tế của hộ gia đình phụ nữ dân tộc thiểu số” (Hội LHPN huyện Buôn Đôn); “Bồn nước an sinh - Nghĩa tình biên giới” (Hội LHPN huyện Ea Súp)…

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.