Multimedia Đọc Báo in

Để kết nối cung cầu lao động hiệu quả

12:48, 11/05/2022

Khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có nhu cầu tuyển dụng lao động cho những vị trí việc làm.

Để kết nối cung - cầu lao động, trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 đến nay, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị tổ chức 42 phiên giao dịch việc làm (gồm: 11 phiên giao dịch việc làm tại Trung tâm, 31 phiên giao dịch việc làm lưu động tại các huyện, thị xã và 4 Ngày hội việc làm tại các địa phương trong tỉnh). Tại các phiên giao dịch việc làm có 177 đơn vị, DN trong, ngoài tỉnh tham gia, với nhu cầu tuyển dụng trên 28.000 lao động. Kết quả có 756 lao động được tuyển dụng trực tiếp, hơn 1.400 người hẹn phỏng vấn sau các phiên.

Để giúp người lao động nắm bắt kịp thời, đầy đủ các chính sách về việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, từ đó có kiến thức cơ bản khi làm việc tại các DN sẽ bảo vệ được quyền lợi của mình cũng như giúp DN thực hiện đúng chế độ chính sách theo quy định, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh còn phối hợp tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động thu hút hàng nghìn lượt lao động tham gia. Đặc biệt là phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự các địa phương tổ chức 8 buổi tư vấn giới thiệu việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động cho gần 1.200 quân nhân xuất ngũ.

Người lao động tìm kiếm thông tin việc làm tại phiên giao dịch việc làm lưu động tổ chức tại huyện Ea Súp.
Người lao động tìm kiếm thông tin việc làm tại phiên giao dịch việc làm lưu động tổ chức tại huyện Ea Súp.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình tổ chức các phiên giao dịch việc làm vẫn còn một số hạn chế: số lượng người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm chưa nhiều; nhu cầu tìm việc làm tại các phiên thấp (từ 7 – 25 người), có những phiên không tuyển được lao động, có một số phiên chủ yếu là cán bộ của các tổ chức đoàn thể, tổ dân phố, thôn, buôn..., thậm chí là người già, trẻ em tham gia.

Nguyên nhân là do, hơn hai năm qua DN bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh COVID-19, đặc biệt các đợt giãn cách xã hội liên tiếp diễn ra vào những tháng cao điểm hoạt động sản xuất – kinh doanh, xuất hiện xu hướng thu hẹp hoạt động, cùng với đó là tâm lý e ngại của người lao động khi tham gia thị trường lao động đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kết nối cung – cầu lao động. Các DN khi tuyển dụng lao động vào làm việc đều phải đào tạo kiến thức cơ bản nhất trước khi ký hợp đồng làm việc, trong khi đó hầu hết người lao động chưa qua đào tạo, chưa có tác phong làm việc công nghiệp... Vì vậy, khi tuyển dụng DN có những điều kiện ràng buộc đối với người lao động (phải qua đào lại từ 7 – 15 ngày, trong thời gian này chỉ hưởng lương cơ bản...) nên người lao động có những e ngại, thiếu tự tin dẫn đến kết quả tuyển dụng chưa cao.

Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh rất lớn. Qua thống kê có 618 lượt đơn vị, doanh nghiệp, hộ gia đình đăng ký tuyển dụng qua Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, với tổng nhu cầu tuyển dụng 35.228 lượt người (tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2021, nhu cầu 7.002 lượt). Trong đó, nhu cầu làm việc trong tỉnh 6.188 người, ngoài tỉnh 25.040 người, xuất khẩu lao động 4.000 người. Trong số đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông cao nhất với 32.765 người (chiếm hơn 90% tổng nhu cầu tuyển), trình độ trung cấp: 1.587 lượt người (5,08%), trình độ bằng nghề/Tay nghề: 376 lượt người (1,20%), trình độ đại học: 264 lượt người (0,85%) và  trình độ cao đẳng: 236 lượt người (0,76%).

Các chính sách về việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, ưu đãi trong học nghề... chưa được phổ biến đến người lao động. Vì vậy, nhiều lao động không quan tâm đến những lợi ích lâu dài nên đã chọn những công việc mang tính thời vụ hoặc thay đổi vị trí làm việc thường xuyên đã làm ảnh hưởng không nhỏ trong vấn đề kết nối cung cầu lao động.

Thêm một nguyên nhân nữa là các DN trong tỉnh chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút số lao động từ các tỉnh khác trở về địa phương do dịch bệnh COVID-19. Hầu hết người lao động ở các tỉnh khác về Đắk Lắk đều cho rằng mức lương các DN ở tỉnh trả chưa phù hợp (từ 4 - 6 triệu đồng); môi trường làm việc, điều kiện làm việc không bằng ở các tỉnh phía Nam. Tại thời điểm tổ chức các phiên giao dịch (cao điểm từ tháng 10 đến 12/2021) tỉnh Đắk Lắk đang vào mùa thu hoạch cà phê, thu hút nhiều người lao động. Mặt khác, thời gian này cận Tết Nguyên đán, người lao động có tâm lý muốn ở nhà cùng gia đình, ngại đi làm ăn xa. 

Theo ông Lê Hải Lý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, để kết nối thành công cung cầu lao động hiện nay thứ nhất phải đa dạng hóa các ngành nghề tuyển dụng để người lao động có nhiều cơ hội lựa chọn việc làm phù hợp với trình độ, năng lực của bản thân. Để làm được điều này, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh chủ động kết nối với DN trong, ngoài tỉnh và Trung tâm Dịch vụ việc làm các tỉnh phía Nam như: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước, TP. Hồ Chí Minh để thường xuyên trao đổi thông tin, nhu cầu tuyển dụng lao động, từ đó kết nối với người lao động thông qua các phiên giao dịch việc làm.

Người lao động tham gia hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động năm 2022 tổ chức tại xã Cư Wy (huyện EA Hleo). Ảnh: Nguyễn Thắng
Người lao động tham gia Hội nghị tư vấn, giới thiệu việc làm trong nước và xuất khẩu lao động năm 2022 tổ chức tại xã Ea Wy (huyện Ea H'leo). Ảnh: Nguyễn Thắng

Trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng lao động của DN trong, ngoài tỉnh, nhất là lao động có tay nghề, Trung tâm phối hợp với các cơ sở dạy nghề để có sự liên kết trong đào tạo, nhất là tập trung vào người lao động đang hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp để tuyên truyền, tư vấn họ học nghề (miễn phí), từ đó cung cấp nguồn lao động có tay nghề cho các DN cũng như giải quyết việc làm cho người lao động đang bị thất nghiệp.

Chính quyền địa phương các cấp, nhất là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về chính sách việc làm, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp đến người lao động đang sinh sống tại địa phương nhằm giúp người lao động có những kiến thức cơ bản nhất về chế độ chính sách liên quan đến việc làm, để khi tham gia thị trường lao động sẽ bảo vệ được quyền lợi chính đáng của mình theo đúng quy định pháp luật.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức các phiên giao dịch việc làm; đa dạng hình thức tổ chức nhằm kết nối cung cầu lao động. Tuy nhiên, việc tổ chức các phiên giao dịch việc làm không nên chạy theo thành tích, số lượng đến tham gia mà tập trung chú trọng đến chất lượng, số lao động thật sự thiếu việc làm, mong muốn tìm kiếm việc làm.

Các đơn vị có chức năng tư vấn giới thiệu việc làm hoạt động trên địa bàn tỉnh, các DN tuyển dụng lao động, nhất là tuyển dụng xuất khẩu lao động khi tham gia các phiên giao dịch việc làm phải trung thực, minh bạch, rõ ràng thông tin; đảm bảo các cam kết đúng với hợp đồng, đơn hàng đã ký với người lao động nhằm tạo niềm tin với người lao động, chính quyền địa phương và hoạt động đúng theo quy định của pháp luật. 

Lê Hải 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.