Multimedia Đọc Báo in

Hãy dạy cho trẻ kỹ năng sinh tồn

08:13, 09/05/2022

Câu chuyện bà Nguyễn Thị Bích Liên (59 tuổi, ở Hà Nội) được cứu sống sau 7 ngày rơi xuống vực sâu khi tham quan chùa Đồng thuộc Khu di tích Yên Tử (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) thật ly kì. 7 ngày với 168 giờ ở độ cao 1.068 m, trong điều kiện thời tiết hết sức khắc nghiệt, bà Liên đã vận dụng mọi kiến thức sinh tồn, ăn các rễ cây để tồn tại cho đến khi được lực lượng cứu hộ giải cứu. Đại diện Ban quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử đánh giá việc bà Liên bình an là một kỳ tích.

Nghe chuyện này, tôi tự hỏi: một người bình thường khác khi gặp tình huống này liệu có vượt qua được để sống sót? Thật khó hình dung bởi 7 ngày là một thời gian quá dài với một cá nhân trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tâm trạng cô độc như vậy. Có thể nói bà Liên rất may mắn khi cú ngã xuống vực không bị chấn thương nghiêm trọng, nhưng phải khẳng định bà sống sót được là nhờ kỹ năng sinh tồn đặc biệt.

Kỹ năng sinh tồn là những kỹ thuật mà một người có thể sử dụng để duy trì sự sống trong bất kỳ môi trường nào. Nếu như bản năng sinh tồn vốn tiềm ẩn ở mỗi người, thì kỹ năng sinh tồn là hội tụ của quá trình được đào tạo và tự học tập, rèn luyện. Kỹ năng chuyên sâu mức độ nào phụ thuộc vào nỗ lực rèn luyện và trải nghiệm thực tế của mỗi cá nhân. Đây chính là những kỹ năng cần thiết giúp con người tồn tại, sống sót mỗi khi đối diện với rủi ro và các mối nguy hiểm.  

Học sinh Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory (TP. Buôn Ma Thuột) thực hành phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Ảnh: Đ.Hoàn
Học sinh Trường Tiểu học, THCS & THPT Victory (TP. Buôn Ma Thuột) thực hành phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Ảnh: Đ.Hoàn

Tại nhiều nước tiên tiến, ngay từ nhỏ trẻ em đã được đào tạo các kỹ năng sinh tồn.

Song ở nước ta, dường như những kỹ năng này chưa được chú trọng. Ngay việc phổ cập cho trẻ em kỹ năng tồn tại ở môi trường nước, cụ thể là học bơi và các phương pháp phòng tránh đuối nước – dù năm nào cũng được đề cập – nhưng cũng chưa mấy hiệu quả. Thời gian gần đây, vấn đề này lại được gióng lên khi liên tiếp xảy ra những vụ trẻ em đuối nước thương tâm. Đến mức mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phải gửi công điện yêu cầu phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh; đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học.

Vì sao việc phổ cập kỹ năng này vẫn không thể phát huy hiệu quả suốt nhiều năm như thế? Nhà trường đã dạy các em những gì ngoài kiến thức sách vở? Việt Nam có hệ thống sông ngòi, bãi biển tuyệt vời mà sao việc dạy bơi cho trẻ em để đẩy lùi hiểm họa đuối nước lại quá khó khăn?

Rất dễ dàng nhận diện các thế hệ trẻ hiện nay, dù thể trạng ngày càng được cải thiện, kiến thức rộng hơn nhưng các kỹ năng sống nói chung rất hạn chế, các kỹ năng sinh tồn dường như chưa được trang bị. Vấn đề này đặt ra cho cả gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó ngành giáo dục cần đặc biệt quan tâm và chú trọng đeo đuổi.

Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.