Lao động xuất cảnh Hàn Quốc theo Chương trình EPS tăng
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (thuộc Sở LĐ -TBXH) cho biết, số lao động xuất cảnh sang Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là Chương trình EPS) trong tháng 5 tăng cao nhất từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19 đến nay.
Nếu từ tháng 1 đến tháng 4/2022, trung bình mỗi tháng chỉ có 2 đến 3 lao động của tỉnh xuất cảnh sang Hàn Quốc theo chương trình này thì trong tháng 5/2022 đã tăng lên 12 lao động (gấp 4 lần so với tháng 4).
Số lao động xuất cảnh Hàn Quốc trong tháng 5 tăng cao nhất từ đầu năm 2022 đến nay. |
Ông Lê Hải Lý, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết, trong năm 2021, số lượng lao động được hướng dẫn, hoàn thiện các thủ tục hồ sơ trước khi xuất cảnh qua làm việc tại Hàn Quốc tăng cao (chiếm hơn 80% số lao động được xuất cảnh). Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, cả nước có rất ít chuyến bay đưa lao động Việt Nam qua Hàn Quốc làm việc. Do đó, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh chỉ có 23 lao động được xuất cảnh qua Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS.
Từ đầu năm 2022 đến nay, khi dịch bệnh COVID-19 cơ bản được kiểm soát, mỗi tuần vẫn có chuyến bay đưa lao động nhập cảnh Hàn Quốc song phải cách ly y tế tập trung. Nhưng sau khi Chính phủ Hàn Quốc (vào ngày 1/4) quyết định nới lỏng quy tắc phòng dịch cho người nước ngoài nhập cảnh, thì số lượng lao động Việt Nam xuất cảnh sang Hàn Quốc theo Chương trình EPS tăng cao, trong đó có lao động của tỉnh Đắk Lắk.
Học viên lớp tiếng Hàn Quốc khóa 17, năm 2022. |
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ - TBXH) cho biết, năm 2022 Ủy ban Chính sách nhân lực nước ngoài của Chính phủ Hàn Quốc thống nhất tiếp nhận 59.000 người lao động nước ngoài theo Chương trình EPS, tăng 7.000 chỉ tiêu so với năm 2021; phân bổ: Ngành sản xuất chế tạo: 44.500 chỉ tiêu (tăng 6.800 chỉ tiêu); Ngành nông nghiệp, chăn nuôi: 8.000 chỉ tiêu (tăng 1.600 chỉ tiêu); Ngành ngư nghiệp: 4.000 chỉ tiêu (tăng 1.000 chỉ tiêu); Ngành xây dựng: 2.400 chỉ tiêu (tăng 600 chỉ tiêu); Ngành dịch vụ: 100 chỉ tiêu (giữ nguyên so với năm 2021).
Với tổng chỉ tiêu tiếp nhận lao động trên, theo đánh giá Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2022 Hàn Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lao động hấp dẫn đối với lao động Việt Nam. Như vậy, người lao động Việt Nam nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng có thể có thêm nhiều cơ hội xuất cảnh đi làm ở thị trường có thu nhập cao và được ưa chuộng này.
Thanh Phượng
Ý kiến bạn đọc