Multimedia Đọc Báo in

“Cầu nối” việc làm cho đoàn viên thanh niên

08:52, 02/06/2022

Nhằm tạo điều kiện để đoàn viên thanh niên tiếp cận với cơ hội việc làm cũng như các nhà tuyển dụng tìm kiếm được nguồn nhân lực phù hợp nhu cầu, nhất là trong thời điểm tình hình dịch COVID-19 dần được kiểm soát tốt, thị trường lao động đang có nhiều tín hiệu khởi sắc, các cấp bộ Đoàn đã tổ chức nhiều hoạt động, chương trình hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh.

Trong Ngày hội thanh niên, công nhân và nghề nghiệp, việc làm do Tỉnh Đoàn phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh tổ chức mới đây, đông đảo đoàn viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh đã có cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp sau đại dịch COVID-19. Anh Y Cuôp Bdap (xã Băng Adrênh, huyện Krông Ana) chia sẻ, trước nay công việc chủ yếu của anh là chăm sóc gần 2 ha cà phê của gia đình. Mong muốn tìm kiếm được công việc ổn định tại địa phương để vừa có thêm thu nhập mà còn có thể phụ giúp được việc nương rẫy của gia đình vào ngày nghỉ hay sau giờ làm, anh đã tham gia phỏng vấn, tìm hiểu về chế độ đãi ngộ, mức lương, thời gian và khối lượng công việc để quyết định nộp hồ sơ vào doanh nghiệp đang tuyển dụng lao động về chăm sóc cây trồng hoặc là công ty đang tuyển lao động về thị trường phân bón.

Anh Y Cuôp Bdap (người ngồi, bìa trái) tham gia phỏng vấn xin việc làm tại ngày hội.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hạnh (TP. Buôn Ma Thuột) khi nghe thông tin về ngày hội việc làm đã tìm đến với mong muốn tìm được một công việc ổn định và lâu dài. Tại đây, dù có nhiều doanh nghiệp đang tuyển dụng nhân viên bán hàng, nhưng sau khi tham gia phỏng vấn ở một đơn vị chuyên về kinh doanh trang sức, chị quyết định nộp hồ sơ vào xin làm việc.

 

"Thời gian qua Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã có nhiều chương trình phối hợp với Hội LHTN tỉnh để hỗ trợ khởi nghiệp và giới thiệu việc làm cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn tỉnh. Trong số đó, hoạt động kết nối, tạo việc làm cho đoàn viên thanh niên với các doanh nghiệp được đặc biệt chú trọng; góp phần giải quyết việc làm và tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều thanh niên".

ông Phạm Đông Thanh, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh

Anh Y Lê Pas Tơ, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh cho biết: Ngày hội là cầu nối giữa các công ty, doanh nghiệp với các bạn đoàn viên thanh niên trong vấn đề việc làm; là dịp để các doanh nghiệp, công ty tìm kiếm, tuyển dụng được lao động phù hợp với định hướng phát triển nguồn nhân lực của đơn vị; đồng thời, cũng là cơ hội giúp đoàn viên thanh niên, người lao động có được nhiều cơ hội việc làm phù hợp với trình độ, năng lực của bản thân; đặc biệt là những bạn trẻ trước đây đi làm việc ở xa nay muốn về lập nghiệp tại quê hương sau đại dịch. Tại đây, các câu hỏi và những thắc mắc của người lao động đều được các nhà tuyển dụng và doanh nghiệp giải đáp thỏa đáng để họ hiểu rõ hơn về cơ hội việc làm, định hướng công việc lâu dài cho mình.

Được biết, Ngày hội thu hút hơn 1.000 đoàn viên thanh niên các huyện, thị, thành phố tham gia; đồng thời có 15 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến tuyển dụng lao động tại địa phương cũng như xuất khẩu lao động đi các nước. Trong đó, một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn như Công ty TNHH Vận tải ô tô An Phước tuyển 60 lao động ở các vị trí như nhân viên điều vận, kế toán, nhân viên văn phòng, lái xe, nhân viên kỹ thuật… Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vương Thành Công tuyển gần 20 lao động phổ thông, nhân viên kinh doanh, lái xe, kế toán. Hay như Công ty Cổ phần Thương mại và Hợp tác nhân lực TQC quốc tế tuyển điều dưỡng viên, cơ khí, điện tử, may mặc, chế biến thực phẩm đi làm việc tại Nhật Bản…

Lao động trẻ làm việc tại một doanh nghiệp may mặc trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Ông Phạm Đông Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải ô tô An Phước - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh chia sẻ, sau khi đại dịch COVID-19 được ngăn chặn, hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng trở nên sôi động, kéo theo đó các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và các doanh nghiệp là hội viên của Hội Doanh nhân trẻ nói riêng hầu hết đều đang trong tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực. Cùng với đó, nhiều lao động, nhất là lao động trẻ ở các tỉnh thành nghỉ việc do đại dịch bây giờ muốn làm việc tại quê hương cũng khá nhiều nên những ngày hội việc làm như vậy sẽ là cơ hội để họ tìm kiếm cho mình một công việc phù hợp ngay tại quê nhà mà không cần phải đi đến những thành phố lớn, xa nhà như trước.

Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong đợt dịch vừa qua, tỉnh Đắk Lắk đón hơn 149.800 công dân đang sinh sống, làm việc, học tập tại các tỉnh thành phía Nam trở về địa phương, trong đó có 127.715 lao động. Tính đến tháng 4/2022, đã có trên 119.000 người có việc làm, trong đó có gần 14.000 người có việc làm trong tỉnh; và vẫn còn trên 8.000 lao động từ vùng dịch phía Nam về chưa có việc làm với lực lượng lao động trẻ khá lớn. Vì vậy, việc tổ chức những ngày hội việc làm, nghề nghiệp giữa các đơn vị với đoàn thanh niên sẽ là cầu nối để giải quyết được việc làm cho cả bên cung lẫn bên cầu.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.