Multimedia Đọc Báo in

Dấu ấn sau mỗi trang viết

14:31, 21/06/2022

Với phóng viên, mỗi thông tin, bài báo đăng tải đều đem lại những cung bậc cảm xúc khác nhau, nhất là khi những bài báo phản ánh được muôn mặt đời sống xã hội, chuyển tải nhiều thông tin bổ ích đến bạn đọc. Đặc biệt, khi những bài viết được nhiều bạn đọc quan tâm và có những phản hồi tích cực từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương – đó chính là dấu ấn, hiệu ứng mà mỗi bài báo mang lại.

Trung tuần tháng 3/2021 khi về huyện Lắk tìm hiểu về đề tài thiếu nước sinh hoạt tại khu vực thị trấn Liên Sơn, lúc ngồi trao đổi với người dân thì biết thêm thông tin cũng trong khu dân cư họ ở có một đoạn đường sạt lở nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sinh. Cùng Ban tự quản tổ dân phố đi thực tế tại đoạn đường Nguyễn Công Trứ (thuộc tổ dân phố Hòa Thắng, thị trấn Liên Sơn), mới thấy được nỗi lo lắng thường trực của các hộ dân nơi đây.

Tuy nhiên khi trao đổi, hầu hết người dân đều lắc đầu vì họ nghĩ rằng còn lâu địa phương mới bố trí ngân sách để khắc phục vị trí sạt lở này. Xác định đây là đề tài cần phải ưu tiên viết trước, ngay sau khi nắm các thông tin, tôi đã kịp thời có bài phản ánh “Khu dân cư sống bất an trên đoạn đường sạt lở”.

Sau khi báo đăng, đến khoảng giữa tháng 4/2021, vị trí sạt lở tại đoạn đường nêu trên đã được địa phương triển khai thi công. Cuối tháng 6/2021, khi công trình hoàn thành, một số người dân khu vực sạt lở gọi điện báo tin cho tôi, với niềm vui khó tả. Họ cảm ơn Báo Đắk Lắk, cảm ơn phóng viên vì đã thông tin kịp thời và đoạn đường sạt lở được khắc phục sau khi báo đăng, người dân yên tâm đi lại, giao thương, không còn sự bất an.

Phóng viên Báo Đắk Lắk và phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Đắk Lắk tác nghiệp tại xã Ea Toh, huyện Krông Năng.
Phóng viên Báo Đắk Lắk và phóng viên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh Đắk Lắk tác nghiệp tại xã Ea Toh, huyện Krông Năng.

Hay như mới đây, qua bài “Đường giao thông biến thành bãi rác” đăng trên Báo Đắk ngày 14/4/2022 phản ánh một hẻm nhỏ trên đường Mai Thị Lựu (phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) ngập rác thải sinh hoạt và vật liệu xây dựng. Dù ở khu vực trung tâm thành phố, nhưng nhiều năm nay những hộ dân có nhà ở gần tuyến đường này phải sống trong cảnh ngột ngạt vì rác để lâu ngày bốc mùi hôi thối. Mặc dù trước đó, địa phương đã huy động đoàn thể, người dân tiến hành dọn dẹp, nhưng chỉ sau một thời gian, đâu lại vào đấy.

Sau khi Báo Đắk Lắk phản ánh thông tin này, UBND phường Ea Tam đã kiến nghị với UBND TP. Buôn Ma Thuột có hướng xử lý. Sau đó thành phố đã đề nghị Công ty Cổ phần Đô thị và Môi trường Đắk Lắk tiến hành thu gom, xử lý khối lượng rác tập kết trên đoạn đường này. Hiện nay, trên tuyến đường không còn tình trạng rác thải tập kết thành từng đống. Được biết, về lâu dài, địa phương này sẽ lắp camera giám sát để phát hiện, xử lý các trường hợp cố tình đổ rác bừa bãi trên tuyến đường.

Tương tự, đầu tháng 3 năm nay, tôi về huyện Krông Ana tìm hiểu về tình trạng ô nhiễm môi trường của một cơ sở xay bột than ở xã Ea Bông. Có đến tận nơi chứng kiến mới thấy được những bức xúc của người dân hoàn toàn có cơ sở. Trời tháng 3 nắng như lửa đốt, cộng với gió mạnh khiến khói, bụi than từ cơ sở nọ lùa hết vào khu dân cư. Mọi vật dụng, nhà cửa đều bị “ám” bởi màu đen của bột than, đến nỗi người dân nơi đây không dám đi chân không ngay trong nền nhà của gia đình mình.

Điều đáng mừng là sau khi phóng viên phản ánh vấn đề này, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của địa phương đã kịp thời có mặt, nhắc nhở; sau đó, yêu cầu cơ sở này phải có biện pháp khắc phục, nếu không buộc phải di dời hoặc tạm dừng hoạt động.

Chỉ mấy ngày sau khi báo đăng bài phản ánh, người dân nơi đây đã gọi điện cho tôi báo mấy ngày nay không còn tình trạng bụi than bay vào nhà nữa. Dù chỉ là một thông báo nhỏ nhưng cũng làm tôi xúc động đến rưng rưng nước mắt. Bởi đơn giản là bài báo đã lên tiếng cho những bức xúc bấy lâu nay mà người dân dù đã lên tiếng trước đó nhưng không được tiếp thu, không được ghi nhận.

Phóng viên Báo Đắk Lắk trao đổi với người dân xã Ea Ô, huyện Ea Kar.
Phóng viên Báo Đắk Lắk trao đổi với người dân xã Ea Ô, huyện Ea Kar.

Nghề báo là thế, là nghề của những chuyến đi, nhưng không có điểm đến cuối cùng. Mỗi nơi phóng viên đi, đến dù là đề tài tích cực hay phản ánh mặt trái của xã hội thì mục đích cuối cùng của bài báo là muốn làm cho xã hội này được tốt đẹp hơn. Niềm vui của nhà báo là sau khi bài viết được đăng tải, có sự phản hồi tích cực từ chính quyền địa phương, từ cơ quan chức năng để ngăn chặn các hành vi vi phạm, hay lan tỏa những hành động, những thông điệp tốt đẹp trong cuộc sống. Hay đơn thuần chỉ là một cuộc gọi điện thoại của người dân báo tin tình hình này, thực trạng kia đã được giải quyết, cuộc sống của họ trở lại bình thường. Những hiệu ứng tích cực đó chính là động lực để nhà báo tiếp tục cống hiến. Và thế, những chuyến đi cứ vậy tiếp diễn, trên mỗi nẻo đường, ở những công trình, dự án, hay cánh đồng, nương rẫy… để phản ánh hơi thở cuộc sống.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.