Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao chất lượng, hiệu quả công trình cấp nước nông thôn: Nhìn từ công tác quản lý, vận hành

08:34, 29/06/2022

Thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động, từ đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm một phần chi phí sang tự bảo đảm 100% chi phí chi thường xuyên chậm nhất vào năm 2023 theo kế hoạch, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã và đang tập trung nâng cao chất lượng hoạt động, quản lý, vận hành công trình, cung ứng dịch vụ cấp nước sạch nông thôn có chất lượng ngày càng cao.

Trung tâm hiện đang quản lý, vận hành, khai thác 36 trạm cấp nước, với tổng số khách hàng kết nối là 24.484/30.075 hộ (đạt 81,4% công suất thiết kế). Nhìn chung, các công trình hoạt động ổn định, cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân sử dụng.

Cán bộ quản lý Công trình cấp nước sinh hoạt xã Bông Krang (huyện Lắk) kiểm tra việc vận hành hệ thống cấp nước.

Để phát huy hiệu quả các công trình, Trung tâm đã tăng cường công tác truyền thông bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân nông thôn về việc sử dụng nước sạch, vệ sinh môi trường. Bên cạnh đó, Trung tâm chú trọng cơ cấu lại tổ chức bộ máy, đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, tập trung thực hiện cải cách hành chính. Đồng thời, Trung tâm đã bố trí nhân lực hợp lý để quản lý, vận hành các trạm cấp nước, duy tu bảo dưỡng thường xuyên, mở rộng phạm vi cung cấp, số hộ đấu nối, khai thác tối đa công suất của các trạm; kiểm soát chất lượng nước; áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong xử lý nước và quản lý công trình…

 

Năm 2022, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh phấn đấu doanh thu tiền nước đạt 14 tỷ đồng; số khách hàng dùng nước từ các công trình cấp nước mới đầu tư, công trình tiếp nhận từ địa phương và các công trình đang quản lý tăng khoảng 4.000 hộ so với năm 2021; hoàn thành triển khai các tiểu dự án cấp nước của các công trình Ea Hồ (huyện Krông Năng), Ea Bar (huyện Buôn Đôn), Bình Hòa (huyện Krông Ana), Ea Ral (huyện Ea H’leo).

Công trình cấp nước sinh hoạt xã Bông Krang (huyện Lắk) được sửa chữa, nâng cấp với tổng nguồn vốn trên 10,2 tỷ đồng từ Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, vay vốn Ngân hàng Thế giới và chính thức vận hành từ năm 2019. Để nâng cao hiệu quả công trình, Trung tâm đã cử hai cán bộ đảm nhận việc quản lý, vận hành, thu tiền nước hằng tháng, sửa chữa những hư hỏng nhỏ, khắc phục việc rò rỉ nước. Nguồn nước của công trình là nước tự chảy từ đầu nguồn con suối trên núi Chư Yang Sin xuống, qua xử lý, cấp cho các hộ dân. Vì vậy, vào mùa mưa, hai nhân viên quản lý công trình thường xuyên túc trực ngày đêm, đóng nước ở đầu nguồn khi mưa to, tránh tình trạng nước bị đục. Nhờ vậy, công trình đã cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 900 hộ dân trên địa bàn xã, giúp người dân không còn nỗi lo thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô.

Cùng với đó, Trung tâm đã sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”, vay vốn Ngân hàng Thế giới để đầu tư xây mới, cải tạo và bảo dưỡng các công trình cấp nước tập trung trên địa bàn tỉnh.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động các công trình do đơn vị đang quản lý vận hành, trong năm 2022, Trung tâm tăng cường dịch vụ chăm sóc khách hàng trong hoạt động cấp nước, giải quyết các thủ tục bằng dịch vụ trực tuyến; tập trung xây dựng kế hoạch kiểm tra và có biện pháp chống thất thoát tại các trạm cấp nước; xây dựng và áp dụng cơ chế khoán các định mức về tiêu thụ điện năng, tỷ lệ thất thoát, công tác sửa chữa, doanh thu tiền nước nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm gắn với quyền lợi của nhân viên trong công tác vận hành cấp nước; ứng dụng có hiệu quả các tiện ích của công nghệ thông tin trong công tác quản lý và vận hành công trình. Bên cạnh đó, Trung tâm tăng cường kiểm tra, kiểm soát và giám sát chất lượng nước, hoạt động của các trạm; tiếp tục cải tiến các quy trình liên quan công tác quản lý, vận hành; tuyên truyền vận động người dân sử dụng nước sạch, nâng cao nhận thức của người dân về tham gia bảo vệ công trình cấp nước...

Người dân xã Bông Krang (huyện Lắk) sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh từ Công trình cấp nước sinh hoạt xã Bông Krang.

Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Phạm Ngọc Bình cho biết: Lĩnh vực cấp nước nông thôn chủ yếu thực hiện chính sách an sinh xã hội, góp phần hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới, khả năng sinh lợi rất thấp và giá nước thực hiện theo quy định của UBND tỉnh, đơn vị cấp nước không thể chủ động đầu tư công trình cấp nước. Do vậy rất cần sự hỗ trợ các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và các nhà tài trợ quốc tế để đầu tư các công trình mới.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.