Vài suy nghĩ về công tác truyền thông ở vùng dân tộc và miền núi
Việt Nam có 54 dân tộc cùng sinh sống; trong đó, trừ dân tộc Kinh, 53 dân tộc còn lại là dân tộc thiểu số và chủ yếu sinh sống ở địa bàn miền núi. Trong chiến lược phát triển quốc gia xuyên suốt những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân tộc và miền núi, trong đó có lĩnh vực truyền thông.
Truyền thông ở các vùng dân tộc và miền núi với các phương tiện chủ lực như hệ thống báo, đài từ Trung ương đến địa phương đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong đời sống. Ngoài hai đài phát thanh và truyền hình quốc gia cũng như các tờ báo Trung ương, chuyên ngành có nội dung riêng về dân tộc và miền núi thì hầu hết các tỉnh đều có chuyên mục về vấn đề này. Đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào miền núi được tiếp cận ngày càng nhiều hơn thông tin thời sự, trong nước và quốc tế, tình hình địa phương, nhất là các chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chính sách kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng cũng như các nội dung về văn hóa nghệ thuật, đặc biệt qua các phương tiện nghe nhìn.
Phóng viên Báo Đắk Lắk tìm hiểu đời sống kinh tế, văn hóa của đồng bào Ê đê tại huyện Cư Kuin. Ảnh: Gia Nguyên |
Nhờ vậy, trong những năm qua, tình trạng du canh du cư, tảo hôn, trọng nam khinh nữ, các hủ tục lạc hậu... đã được đẩy lùi; các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất hiệu quả được giới thiệu trên các phương tiện truyền thông đã giúp bà con thay đổi nhận thức, nếp nghĩ cách làm, biết tận dụng lợi thế của địa bàn miền núi để trồng rừng, trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm, cải tạo vườn tạp để cải thiện đời sống, quan tâm hơn đến chuyện cho con cái học hành, phòng bệnh và chữa bệnh, hạn chế mê tín dị đoan... Các báo đài Trung ương và địa phương đã chú trọng cải tiến nội dung ngày càng sát hợp thực tế, đổi mới hình thức thể hiện theo hướng thu hút, dễ hiểu, dễ nhớ để đưa thông tin về cơ sở được tốt hơn, có nhiều chuyên trang, chuyên mục được thể hiện bằng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số, được bà con hào hứng đón nhận.
Đương nhiên truyền thông không chỉ là các phương tiện báo, đài dù có vai trò chủ lực mà còn là hệ thống báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên của các ngành liên quan như văn hóa, cơ quan phụ trách dân tộc của tỉnh, chính quyền cơ sở, lực lượng bộ đội biên phòng... Đặc biệt, trong hai năm phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua, các đồn biên phòng đã thực hiện truyền thông rất hiệu quả, đó là tuyên truyền bằng loa tay, tờ rơi, bằng cách nói chuyện trực tiếp với bà con vùng cao, bộ đội đã đến từng thôn bản, từng nhà, rà từng đối tượng để nói cho dân hiểu, bày cho dân làm.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực thì công tác truyền thông tại vùng dân tộc và miền núi còn bộc lộ không ít hạn chế, bất cập. Đơn cử như, do bất đồng về ngôn ngữ nên trong nhiều trường hợp, truyền thông tiếng phổ thông chưa thực sự phát huy tác dụng sâu rộng trong đời sống cộng đồng. Cách thức truyền thông vẫn chưa được đầu tư chuyên biệt hóa để tiếp cận nhanh hơn, nhiều hơn, sâu hơn đến với địa bàn các dân tộc thiểu số và vùng cao. Nội dung và hình thức truyền thông mặc dù được cải tiến nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của công chúng ở địa bàn miền núi; cách cảm, cách nghĩ, cách thể hiện nhiều lúc chưa thực sự phù hợp với nhận thức và thị hiếu của đồng bào miền núi. Các chương trình còn thiên về tính thời sự, chính luận mà chưa cân bằng với các nội dung khác như văn hóa nghệ thuật, giải trí, còn thiếu vắng những tác phẩm chạm đến những nhu cầu đời thường, nhu cầu giải trí của bà con dân tộc thiểu số.
Thiết nghĩ, muốn giải quyết các vấn đề này thì các cơ quan truyền thông cần khảo sát nghiêm túc nhu cầu của bà con, thấu hiểu đời sống tinh thần, văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số để tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác truyền thông; mặt khác cần tập huấn cho đội ngũ biên tập viên, phóng viên, cộng tác viên về vấn đề này; đầu tư có trọng điểm nội dung và hình thức thể hiện, lắng nghe phản hồi từ chính quyền cơ sở và nhân dân trên địa bàn để từng bước rút kinh nghiệm, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị của mình.
Đặc biệt ở các địa bàn trọng điểm như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ thì công tác truyền thông càng phải được chú trọng và nâng cao một bước, trở thành một chiến lược thông tin của các địa phương, cần được đầu tư nhân tài, vật lực đúng mức để hiện thực hóa những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các mục tiêu chính trị, kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng của địa phương. Các địa phương vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, cần tổng kết về công tác truyền thông dân tộc và miền núi, trao đổi và học tập lẫn nhau, cái gì địa phương có thể giải quyết, cái gì cần kiến nghị với Trung ương, các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ. Mặt khác, không chỉ truyền thông một chiều, tức là tuyên truyền chính sách của Đảng và Nhà nước mà còn là kênh thông tin phản hồi trung thực ý kiến, tâm nguyện của bà con đến với các cấp, các ngành. Đây cũng là câu chuyện thời sự hết sức quan trọng để Đảng và chính quyền ngày một gần dân, hiểu dân.
Phạm Xuân Dũng
Ý kiến bạn đọc