Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về một ngôi làng nơi rừng sâu

08:53, 17/07/2022

Mười căn nhà hoang phế nằm lọt thỏm giữa bạt ngàn cà phê là những gì còn sót lại của một ngôi làng dành cho những người từng một thời bị cộng đồng xa lánh - người mắc bệnh phong.

Heo hút nơi rừng già

Rất ít người trẻ tuổi ở xã Ea Sol, huyện Ea H’leo bây giờ biết đến làng Cùi – một ngôi làng từng xuất hiện suốt hơn 50 năm ở chính địa phương họ sinh sống. Cũng dễ hiểu, bởi ngôi làng nằm ở vị trí heo hút, tách biệt hẳn với những khu dân cư tập trung. Người lớn tuổi biết về làng Cùi trước đây cũng không thường nhắc đến bởi đó là nơi họ từng muốn con cháu mình tránh thật xa.

Những ngôi nhà của người dân làng Cùi được xây dựng từ năm 2003 hiện đã không còn ai sinh sống.

Ksơr Phúc, Trưởng buôn M’nut (xã Ea Sol) là người từng sống ở làng Cùi và chứng kiến nỗi cơ cực của những người bị đẩy vào xó rừng. Ông Phúc vốn là người Kinh, quê ở tỉnh Bình Định, lưu lạc đến làng Cùi từ khi còn nhỏ, trước năm 1975. Ông nhớ lúc ấy nơi ở của những cư dân làng Cùi là những căn nhà sàn dựng bằng tre nứa lụp sụp giữa rừng sâu. Hầu hết lương thực, thực phẩm ở đây đều do bà con tự trồng trọt hoặc lấy từ rừng, từ suối, chỉ có muối là phải chờ viện trợ từ bên ngoài. Lắm khi hết muối, bà con phải đốt cỏ tranh, đốt le lấy tro để kiếm chút vị mặn. Còn việc điều trị, người mắc bệnh phong đa số tự xử lý vết thương của mình bằng số thuốc được viện trợ hoặc các loại cây, lá trong rừng.

Mất cảm giác là biểu hiện đặc trưng của những người mắc bệnh phong. Có lẽ vì vậy mà nỗi đau về thân xác dường như nhẹ hơn so với những gì căn bệnh này bắt họ phải gánh chịu. Ksơr Phúc từng chứng kiến dượng của mình tự tay cắt đi phần chi bị hoại tử mà không hề có cảm giác đau đớn. “Người dân ở các buôn trong vùng sợ dân làng Cùi lắm. Chỉ có bà con, họ hàng thân thuộc mới đủ can đảm mang đồ đạc đến tiếp tế, mà cũng chỉ đến vào mùa nắng thôi, mùa mưa thì tuyệt nhiên không một ai dám lai vãng nên dấu tích lối mòn dẫn vào làng cũng bị cỏ cây phủ kín”- Ksơr Phúc hồi tưởng.

Bà Ksơr H’Djui (buôn M’nut) là người từng đi tiếp tế cho người cậu của mình ở làng Cùi nhớ lại: “Có đến cũng không ai dám gặp đâu, chỉ treo đồ đạc lên một cành cây rồi gọi tên người nhận, khi trong làng vọng ra tiếng trả lời là vội vã trở về ngay. Người trong làng cũng đợi cho người tiếp tế đi khuất xa mới ra tìm để nhận.”

Dù tín hiệu chỉ là tiếng gọi và sống trong cảnh đói khổ nhưng những cư dân làng Cùi vẫn không bao giờ lấy nhầm lương thực của nhau, bao bọc và đồng cảm với những mảnh ghép số phận giống mình.

Cư dân cuối cùng của làng Cùi

Ông Phan Văn Tư, công tác tại Hội Chữ thập đỏ huyện Ea H’leo giai đoạn 1990 - 2016 kể rằng, làng Cùi hình thành từ khoảng năm 1967. Đến năm 1990, khi Hội Chữ thập đỏ huyện tiếp cận và hỗ trợ thì làng có 9 hộ cư trú với 39 nhân khẩu đều là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Xung quanh vẫn là rừng nguyên sinh hoang sơ, nhưng bà con trong làng đã trồng khá nhiều lúa, ngô, nuôi heo, gà để tự cung cấp cho đời sống hằng ngày.

Một số người bệnh đã được đưa đi điều trị tại khu điều trị phong Ea Na (huyện Krông Ana) và trở về làng sau khi khỏi bệnh. Thế nhưng, cũng có người không chịu rời làng hoặc bị tái phát sau điều trị nên thường bị lở loét, đi lại, sinh hoạt rất khó khăn. Việc học hành, tiếp cận với các chính sách an sinh xã hội của các thế hệ con, cháu người làng Cùi cũng rất hạn chế.

Thời gian về sau, lượng người di cư đến khai hoang ngày một đông, rừng mất dần khiến người dân làng Cùi càng co cụm trong nỗi tự ti, mặc cảm. Đến năm 2003, được sự cho phép của chính quyền địa phương, một số tổ chức tôn giáo đã hỗ trợ xây dựng 10 căn nhà cấp 4 cho 10 hộ dân làng Cùi, xây nhà cộng đồng, đào giếng và tặng 2 chiếc ti vi để bà con tiếp cận xa hơn với thế giới bên ngoài. Sau khi những căn nhà được hoàn thiện, các đơn vị tài trợ đã tổ chức lễ khánh thành, có sự tham dự của người dân buôn M’nut. Đó có lẽ là lần đầu tiên người làng Cùi chính thức được cộng đồng thừa nhận sau nhiều năm ẩn mình.

Ông Ksơr Y Blônh hiện đang được người cháu ruột ở buôn M’nut nuôi dưỡng.

Khi những bệnh nhân phong lần lượt mất đi, con cháu của họ cũng rời làng tìm kế sinh nhai. Hiện chỉ còn một cư dân cuối cùng của làng là ông Ksơr Y Blônh được gia đình người cháu ruột là bà Ksơr H’Djui ở buôn M’nut đón về chăm sóc. Bà Ksơr H’Djui chia sẻ, thời gian đầu đưa ông về, ban đầu cả nhà không khỏi lo ngại. Nhưng sau đó, nhờ nắm bắt được thông tin về bệnh phong, biết bệnh này không quá nguy hiểm cũng không phải là căn bệnh truyền nhiễm hay di truyền nên mọi người đã biết cách chăm sóc ông chu đáo. Hiện việc chăm sóc bận hơn khi ông đã ngoài 90 tuổi, không còn minh mẫn và hầu như không đi lại, không tự chủ được việc ăn uống, vệ sinh.

Không còn ai sinh sống, làng Cùi giờ đây chỉ là những đoạn ký ức chắp nối qua nhiều người. Song những căn nhà vẫn lặng lẽ ở đó như gợi nhớ về nỗi đau của sự thiếu hiểu biết, của định kiến xã hội về một căn bệnh từng trở thành nỗi ám ảnh của nhiều gia đình. Vượt lên tất cả là sức sống mạnh mẽ của những người bệnh phong và tấm lòng nhân ái của nhiều tổ chức, cá nhân, sự xóa bỏ định kiến của cả cộng đồng để cùng quan tâm, giúp sức đến những người từng chịu di chứng cả về thể xác lẫn tinh thần của căn bệnh quái ác này.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc