Multimedia Đọc Báo in

Tuổi 19 đừng buồn!

08:49, 17/07/2022

Những giọt nước mắt đã lăn dài trên gương mặt nhiều cầu thủ U19 Việt Nam khi để thua U19 Malaysia 0-3 trong trận bán kết Giải U19 Đông Nam Á. Một kết quả ngoài sức tưởng tượng, tiếc rằng lại xảy ra.

Không chỉ thầy trò Huấn luyện viên (HLV) Đinh Thế Nam phải nhận kết cục cay đắng như vậy, người hâm mộ Thái Lan cũng đang bàng hoàng khi đội U19 của họ đã để U19 Lào hạ gục 2-0 trong trận bán kết. Lần đầu tiên trong lịch sử Lào lọt vào bán kết U19 Đông Nam Á.

Chúng ta (và cả Thái Lan) nên tự trách mình đã không biến được lợi thế của đội “chiếu trên” để giành chiến thắng.

U19 Việt Nam năm nay đa số là các cầu thủ 17 tuổi, nên trước khi giải diễn ra giới chuyên môn rất e dè nhận định khả năng vào sâu của U19 Việt Nam, nhất là nằm ở “bảng tử thần” cùng chủ nhà Indonesia, Thái Lan, Myanmar (từng 2 lần vô địch).

Trong bóng đá, ở những giải đấu thường khó khăn nhất là gặp phải những rào cản lớn ngay vòng bảng. Những thử thách khó khăn nhất U19 Việt Nam đã trải qua trước khi đối đầu Malaysia ở bán kết.

Lứa U19 này vẫn cần thêm nhiều thời gian để trưởng thành.

Chúng ta đã đứng vững trước áp lực của cổ động viên chủ nhà Indonesia và cầm hòa đối thủ được đánh giá là một trong các ứng viên vô địch này. Chúng ta cũng đã cơ bản chơi tốt trước một ứng viên vô địch khác là Thái Lan để rồi cả hai nắm tay nhau vào bán kết.

Cũng phải thừa nhận dưới góc độ bóng đá trẻ, U19 Malaysia vẫn giàu truyền thống. Trong 17 giải đấu trước đây, các cầu thủ trẻ Malaysia đã lọt vào bán kết 10 lần, vào chung kết 7 lần và vô địch vào năm 2018. Đội hình U19 Malaysia năm nay cũng được đầu tư mạnh, một số gương mặt ấn tượng trong đó có tiền vệ Omar Raiyan, cầu thủ đang khoác áo U17 Red Star Belgrade của Serbia.  Tuy nhiên, các chỉ số của họ tại vòng bảng không ấn tượng. Malaysia chỉ ghi được 6 bàn và để thủng lưới tới 5 bàn sau 4 trận gặp Singapore (hòa 0-0), Lào (thua 0-1), Timor Leste (thắng 4-3), Campuchia (thắng 2-1). Xem kỹ các trận đấu, có thể thấy khả năng tấn công của U19 Malaysia không quá sắc bén, trong khi hàng phòng ngự sơ hở.

Với một đội bóng như thế, lẽ ra chúng ta phải có cách tiếp cận trận đấu tốt hơn, chiến thuật phù hợp trước Malaysia. Vậy nhưng, các cầu thủ U19 Việt Nam đã không được làm tốt tư tưởng dẫn đến bản lĩnh yếu. Chúng ta nhập cuộc quá cẩn trọng, thay vì cần nhanh chóng tấn công dồn dập, ghi bàn để giải quyết trận đấu, tránh rủi ro. Bởi, với cầu thủ trẻ khi bị ghi bàn trước, sự kỳ vọng “phá sản” dễ dẫn đến phản xạ tâm lý lẫn chuyên môn trì trệ, rất khó xoay chuyển cục diện.

Dù thất bại nhưng đây là bài học cần thiết để hướng đến những tầm cao mới. Mọi người hẳn sẽ ngạc nhiên khi trong lịch sử 18 mùa giải, U19 Việt Nam chỉ một lần vô địch năm 2007, tổ chức tại Việt Nam, do HLV Nguyễn Mạnh Cường dẫn dắt. Đấy là lứa cầu thủ không mấy ai nổi tiếng, sau này thành danh chỉ có Trọng Hoàng và Hoàng Danh Bình. Năm 2015, U19 Việt Nam có đội hình cực mạnh như Quang Hải, Tiến Linh, Trọng Đại, Hà Đức Chinh, Duy Mạnh. Văn Hậu... Chúng ta thắng như chẻ tre ở vòng bảng và bán kết, nhưng đã để thua Thái Lan đến 0-6 tại chung kết. Ở giải đấu này, đội bóng xứ Chùa vàng và Australia vẫn đang thống trị với mỗi bên 5 lần đăng quang. U19 Việt Nam còn vào đến 3 trận chung kết nữa nhưng đều thất bại.

Nói thế để thấy, bóng đá trẻ phát triển rất thất thường về chất lượng và phong độ. Những năm trở lại đây, các tuyến đội tuyển U của Việt Nam phát triển rất rực rỡ, có những lúc vang danh như lứa U19 của bầu Đức cùng ít tuyển thủ câu lạc bộ khác, vậy mà vẫn không cách nào mang vinh quang về cho Tổ quốc ở giải U19. Dù thế, cũng không nên quá bi quan bởi từ U19 đến U20, U23 và đội tuyển quốc gia, đẳng cấp sẽ biến chuyển nhanh chóng.

Hãy tiếp tục cổ vũ cho Khuất Văn Khang cùng các cầu thủ U19, giúp họ sớm "biến đau thương" thành những bài học bổ ích để lớn mạnh trong tương lai gần.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc