Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M’gar tập trung phát triển bảo hiểm y tế hộ gia đình

06:12, 05/07/2022

Thời gian qua, nhất là từ khi Quyết định 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 có hiệu lực từ ngày ký ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn, huyện Cư M’gar đã nỗ lực phát triển BHYT theo hộ gia đình và coi đây là giải pháp tối ưu để tăng độ bao phủ BHYT trên địa bàn.

Đưa vợ vào cấp cứu tại phòng khám đa khoa An Bình (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar), anh Y Be Mlo không khỏi lo âu vì tiền bạc trong nhà đang thiếu trước hụt sau trong khi vợ anh lại không có BHYT. Trước đây, khi nơi gia đình anh sinh sống thuộc vùng 3, được Nhà nước cấp thẻ BHYT miễn phí, vợ chồng anh ít khi đau ốm nên không để ý nhiều đến thẻ BHYT. Khi chính sách của Nhà nước thay đổi, gia đình anh và nhiều hộ khác trong buôn không còn được cấp thẻ BHYT nữa, thấy người trong nhà ít đau ốm, kinh tế lại đang eo hẹp, vợ chồng anh quên chuyện mua thẻ BHYT. Đến khi chị H’Uê Ksiu - vợ anh lên cơn đau bụng dữ dội phải đưa đi cấp cứu, khi nghe nhân viên y tế ở phòng khám hỏi thẻ BHYT để làm thủ tục thanh toán viện phí, anh mới ngẩn người nuối tiếc, giá như có thẻ BHYT sẽ đỡ rất nhiều chi phí khám chữa bệnh.

Học sinh huyện Cư M'gar tìm hiểu chính sách bảo hiểm y tế.

Cũng đến khám bệnh tại phòng khám đa khoa An Bình, chị Nguyễn Thị Hồng Phiến đã sử dụng thẻ BHYT để đăng ký khám chữa bệnh. Chị cho biết, với chiếc thẻ BHYT trong tay, BHYT đã chi trả phần lớn chi phí khám chữa bệnh dù là ở bệnh viện công, hay phòng khám tư nhân, thế nên chị không quá lo lắng về chi phí khám chữa bệnh. Hiện gia đình chị, ngoài những người mua BHYT theo diện bắt buộc, thì tất cả các thành viên còn lại đều tham gia BHYT theo hộ gia đình để được hưởng mức đóng giảm trừ theo từng đối tượng.

Theo bác sĩ CKI Trần Ngọc Nguyên, Giám đốc phòng khám đa khoa An Bình, hiện nay, cùng với quy định cho thông tuyến giữa các cơ sở khám chữa bệnh cùng hạng, các bệnh viện, phòng khám tư nhân cùng tham gia khám chữa bệnh BHYT, người tham gia BHYT đã có thể dễ dàng tìm đến cơ sở khám chữa bệnh, chủ động thăm khám và được thanh toán BHYT một cách nhanh chóng, thuận lợi. Là một đơn vị tham gia khám chữa bệnh BHYT, thời gian qua, phòng khám luôn củng cố cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người bệnh nói chung và bệnh nhân BHYT nói riêng. Nhờ vậy, số người tham gia BHYT đăng ký lựa chọn phòng khám là nơi khám chữa bệnh ban đầu ngày một tăng lên.

Thực tế, việc tham gia BHYT đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là những người có thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo, người mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính, thì tấm thẻ BHYT như "chiếc phao cứu sinh" để họ được khám chữa bệnh với chi phí thấp nhất. Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Cư M’gar đã triển khai nhiều hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chính sách BHYT nói chung và BHYT hộ gia đình nói riêng. Ngoài các buổi hội nghị, tập huấn ở các địa phương thì đội ngũ cán bộ thu đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để tuyên truyền, vận động và giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của người dân trong quá trình tham gia và hưởng quyền lợi BHYT hộ gia đình. Mạng lưới đại lý thu BHYT, BHXH đã được triển khai rộng khắp đến các thôn, buôn, sẵn sàng tư vấn hỗ trợ người dân tham gia BHXH, BHYT. Bà Bùi Thu Liễu, một đại lý thu BHXH, BHYT ở xã Quảng Tiến cho biết, thực hiện công tác phát triển BHYT hộ gia đình, hằng ngày bà luôn tranh thủ thời gian ngoài giờ đến các hộ hoặc lồng ghép vào các cuộc họp thôn, buôn để tuyên truyền chế độ chính sách về BHXH, BHYT, giúp người dân hiểu, tin tưởng và yên tâm lựa chọn tham gia.

Bà Bùi Thu Liễu (bên phải), đại lý thu BHXH, BHYT xã Quảng Tiến tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về chính sách BHYT hộ gia đình.

Rõ ràng, thực hiện BHYT theo hộ gia đình được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng nhiều gia đình chỉ chọn mua BHYT cho những người ốm, người bị bệnh mạn tính, chưa có ý thức mua cho toàn bộ thành viên trong gia đình để phòng khi ốm đau và chia sẻ rủi ro với người khác. Khi người dân tham gia BHYT theo hộ gia đình sẽ được hưởng đầy đủ những quyền lợi của BHYT, được cấp thẻ BHYT sử dụng khi khám chữa bệnh và được trợ cấp tài chính cho những dịch vụ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng… với mức hưởng tùy theo từng trường hợp. Quyền lợi hưởng BHYT theo hộ gia đình cơ bản đầy đủ, bệnh nhân có thẻ BHYT sẽ được bảo hiểm chi trả tới 80%/tổng chi phí khám chữa bệnh. Do vậy, việc tham gia BHYT theo hộ gia đình chính là điều cần hơn bao giờ hết đối với mỗi cá nhân, gia đình để tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho bản thân và các thành viên của gia đình mình.

Theo ông Phan Phước Thuận, Phó Giám đốc BHXH huyện Cư M’gar để khắc phục những khó khăn và phát triển đối tượng tham gia BHYT hộ gia đình trong thời gian tới, BHXH huyện tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về trách nhiệm, quyền lợi của người tham gia BHYT hộ gia đình. Đồng thời mở rộng kênh cung ứng, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân khi đăng ký tham gia. Đặc biệt, BHXH huyện tăng cường phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn nhằm nâng cao chất lượng khám, điều trị bệnh, cải cách thủ tục hành chính đảm bảo quyền lợi cho người dân, góp phần thu hút thêm nhiều hộ gia đình tham gia BHYT.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.