Huyện Ea H’leo: Công trình trường học bỏ hoang, lãng phí tiền tỷ
Sau khi đưa vào sử dụng được một thời gian ngắn thì điểm trường tiểu học tại buôn Sék Điết (xã Dliê Yang, huyện Ea H’leo) bị bỏ hoang gần 20 năm nay. Vài năm trở lại đây, tại xã Ea Nam (huyện Ea H’leo) lại tiếp tục có một công trình trường mầm non được đầu tư nhưng cũng không đưa vào sử dụng.
Điểm trường tiểu học buôn Sék Điết cách trung tâm xã Dliê Yang gần 20 km, được xây dựng với 3 phòng học liền kề, trong khoảnh đất rộng chừng 5.000 m2 sát đường liên thôn. Do không sử dụng nhiều năm nên công trình này khá hoang tàn. Các phòng học không có bàn ghế, cánh cửa cũng không còn; nhiều phần công trình bị xuống cấp, mục nát; khuôn viên trường cỏ cây mọc um tùm.
Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea H’leo, trường được xây dựng từ khoảng năm 2004 - 2005, đến nay, hồ sơ liên quan không còn lưu trữ. Sau khi xây dựng xong, đi vào hoạt động được một thời gian ngắn, điểm trường này phải ngừng hoạt động vì không có học sinh. Hiện, công trình này do xã Diê Yang quản lý.
Khuôn viên điểm trường tiểu học buôn Sék Điết cỏ mọc um tùm. |
Ông Ksơr Y Thông, Chủ tịch UBND xã Dliê Yang cho hay, từ khoảng năm 2000, buôn Sék Điết và thôn 5 thành lập mới. Do nằm tách biệt với khu vực trung tâm xã, nên đường sá đi lại khó khăn, kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ...
Nhận thấy nhu cầu học tập của các cháu nhỏ ở hai thôn, buôn khá đông, việc xây dựng điểm trường tiểu học tại khu vực này là rất cần thiết nên địa phương đã đề xuất cấp trên đầu tư xây dựng điểm trường tại buôn Sék Điết. Năm đầu đi vào hoạt động, trường vẫn bảo đảm được số lượng học sinh đủ để tổ chức ba lớp 1, 2 và 3. Nhưng từ năm học thứ hai thì số lượng học sinh rất ít, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện không thể bố trí nhân lực để duy trì.
Nguyên nhân là do hạ tầng đầu tư chưa đồng bộ, thiếu hệ thống điện, nước, nhà vệ sinh...; nhiều phụ huynh chấp nhận đường xa, chở con đến các trường gần trung tâm xã hoặc gửi về quê cũ để bảo đảm việc học tập. Thời gian tới, UBND xã sẽ rà soát, có kế hoạch tu sửa, cải tạo và giao lại cho buôn Sék Điết để làm nơi sinh hoạt cộng đồng.
Trong khi bài học đầu tư xây dựng điểm trường buôn Sék Điết còn hiện hữu thì tại buôn Ea War (xã Ea Nam), công trình Trường Mầm non Vàng Anh cũng xây xong rồi bỏ hoang, gây lãng phí gần 5 năm nay. Công trình này do Ban quản lý dự án đầu tư - xây dựng huyện Ea H’leo làm chủ đầu tư với nguồn kinh phí 1,163 tỷ đồng, hoàn thành từ năm 2018. Khuôn viên trường có diện tích khoảng hơn 1.000 m2 gồm các hạng mục: phòng học, nhà hiệu bộ, nhà bếp, nhà vệ sinh, đài nước, giếng khoan, hệ thống điện, hàng rào và cổng được xây bằng gạch kiên cố.
Trường Mầm non Vàng Anh ở xã Ea Nam xây xong từ năm 2018 đến nay vẫn chưa sử dụng. |
Theo ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch UBND xã Ea Nam, Trường Mầm non Vàng Anh được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của các cháu nhỏ ở buôn Ea War (mới thành lập, cách khu vực trung tâm khoảng 10 km). Tuy nhiên, sau khi công trình này hoàn thành thì nhận được thông tin Công ty TNHH Dakman (TP. Buôn Ma Thuột) tài trợ cho xã Ea Nam một trường mầm non với quy mô lớn, hiện đại.
Cùng với đó, xã Ea Nam phải cam kết bảo đảm đủ số lượng học sinh cho trường này. Vì vậy, sau khi xây dựng xong, Trường Mầm non Vàng Anh vẫn chưa được bố trí nhân lực, cũng như trang thiết bị để đưa vào sử dụng.
Để tránh lãng phí đối với công trình Trường Mầm non Vàng Anh, xã Ea Nam đã thống nhất chủ trương sàng lọc, lập danh sách những hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong xã thiếu đất ở, để bố trí giãn dân ra khu vực gần buôn Ea War. Số con em đồng bào dân tộc thiểu số ở buôn mới sẽ được bố trí học ở Trường Mầm non Vàng Anh.
Ông Phạm Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea H’leo cho biết, đối với hai công trình trường học nói trên, tại thời điểm xây dựng đều nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết của người dân và chủ trương phát triển giáo dục trên địa bàn. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, các công trình này không phát huy được chức năng, bị bỏ hoang, gây lãng phí.
Huyện Ea H’leo vừa có chỉ đạo các phòng, ban và địa phương liên quan sớm rà soát, kiểm tra, tu sửa để sử dụng hợp lý, hiệu quả. Có thể sử dụng để phục vụ cho nhu cầu dạy và học tại chỗ, hoặc vào mục đích sinh hoạt văn hóa cộng đồng…
Việc xây dựng trường lớp để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số là chủ trương đúng đắn. Song, bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì vẫn có những yếu tố chủ quan như: chủ đầu tư và các địa phương thiếu kiểm tra, quản lý; không có phương án sử dụng phù hợp, hiệu quả… Đây không chỉ gây lãng phí nguồn lực đầu tư mà còn về quỹ đất. Thiết nghĩ, các ngành, các địa phương khi thực hiện dự án đầu tư cần tính toán kỹ hơn, tránh lãng phí như hai công trình xây dựng tại huyện Ea H’leo.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc