Multimedia Đọc Báo in

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022: “Gieo hạt” cho thế hệ mới

11:04, 09/07/2022

Từ ngày 6 đến 8/7, Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 diễn ra theo mô hình tập trung chung thời điểm và do các tỉnh thành đảm nhiệm tổ chức.

Điều quan trọng, đây là kỳ thi có tính chất tập trung với tinh thần đổi mới, tự chủ hoàn toàn của các địa phương, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho một thế hệ trẻ địa phương hoàn thành 12 năm học quan trọng của cuộc đời và sẵn sàng bước vào giai đoạn mới, trưởng thành và trở thành một công dân có năng lực, nghề nghiệp trước cuộc đời.

Một kỳ thi, nhiều kỳ vọng

Có thể nói, bước vào năm thứ 3 thực hiện mô hình tự chủ để các địa phương triển khai kỳ thi tốt nghiệp và hướng nghiệp đào tạo nghề cho thế hệ trẻ, ngành giáo dục Việt Nam đang có những thay đổi khởi sắc. Câu chuyện “học tài thi phận” của một giai đoạn lịch sử giáo dục niên khóa cứng nhắc đã được thay đổi, để việc đánh giá cơ hội cho thế hệ công dân trẻ được tiếp tục học nghiệp hay tạo nghề, dựa vào chính kết quả học tập 12 năm dài được diễn ra tự nhiên, là định hướng phù hợp xu thế thời đại và nhu cầu xã hội. Với đông đảo thế hệ phụ huynh học sinh, ý thức tự giác giáo dục, tự nguyện đào tạo tại bản thân các lớp con cháu cũng đã được tôn trọng hơn. Xã hội ngày càng giảm đi hình ảnh tiêu cực về những bậc cha mẹ giáo điều, áp lực con cái theo ý mình. Thay vào đó, để con trẻ tự giác nhận ra lý tưởng nghề nghiệp của chúng, tự chọn cuộc sống tương lai đã là hướng vận động mạnh mẽ đang lan tỏa rộng khắp.

Từ tinh thần đó, có thể thấy trước khi kỳ thi tốt nghiệp diễn ra, với những bộ hồ sơ đăng ký tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng hay trường nghề, các bậc cha mẹ chủ yếu để con cái lựa chọn. Bản thân các bạn trẻ hôm nay, tiếp cận thông tin đa chiều hơn và tự giác ý thức hơn, cũng rành mạch cơ hội nên hay không nên chọn một “bến đỗ tri thức” đúng năng lực. Những bộ hồ sơ mô tả đúng năng lực và ao ước của thế hệ trẻ, vì thế đã được thực hiện nghiêm túc hơn và minh bạch hơn. Qua đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT trở nên thiết thực và được sự chú mục nghiêm túc của toàn xã hội.

Thí sinh bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: L.Anh

Chỉ với hai ngày thi chính thức, kỳ thi bật lên rất nhiều giá trị kỳ vọng cho một lứa tuổi thanh niên mới. Trước hết là hành trang tự giác của mỗi bản thân học sinh khi rời ghế nhà trường phổ thông, bước vào giai đoạn trưởng thành hơn. Thứ hai là định hướng lựa chọn nghề nghiệp, chọn mục tiêu phấn đấu trưởng thành của mỗi cá nhân học sinh. Thứ ba là kỳ vọng, mong mỏi của mỗi gia đình và toàn xã hội về một dấu ấn khởi đầu cho tương lai. Một thế hệ trẻ là lực lượng kế cận cho hoạch định phát triển xã hội bền vững hơn được thiết chế vững vàng, tiến bộ hơn, nên không thể xem nhẹ “cuộc đua tranh thử thách” này.

Những thị dân mới cho một tầm nhìn mới

Một cựu lãnh đạo ngành Giáo dục Đắk Lắk tâm tư: Dù đã về hưu nhiều năm rồi, nhưng mỗi khi kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức, ông lại xốn xang, lo lắng. Vì mảnh đất biên giới cao nguyên này từ lâu luôn phải đối diện khát vọng đào tạo cho được những thế hệ con người lao động trẻ thực sự xứng đáng với cơ hội vượt lên, kiến tạo những thành quả kinh tế, xã hội giá trị hơn.

Đơn giản với nguồn nhân lực trẻ, Đắk Lắk phải làm sao cân đối được nguồn tri thức trẻ, nhiều hoài bão và kiến thức, có thể lan tỏa đi khắp nơi nhưng cũng rất cần hội tụ về chính lại địa bàn, vừa phải ổn định nguồn lao động trẻ có tay nghề và ý thức công nghiệp hóa tiến bộ, đảm bảo công cuộc canh tác sản xuất hàng hóa. “Thừa thầy, thiếu thợ” là hiện trạng đã có từ khá lâu trong thị trường lao động lâu nay, đã đến lúc cần được cải đổi lại, đòi hỏi mỗi cá nhân lao động tự giác ý thức được mình có thể làm gì, học hỏi gì. Điều may mắn là phần lớn lao động trẻ địa phương đều không tách khỏi môi trường cuộc sống gia đình, không quá ảo tưởng về những cơ hội thay đổi giá trị sống xa hoa, phù phiếm. Nhưng ngược lại, cũng có quá nhiều lao động địa phương tự nhiên tự ti, mặc cảm về cơ hội của mình, lười biếng, tránh xa cơ hội học hỏi những nghề nghiệp cần đào tạo nghiêm túc, chỉ chấp nhận sống “xổi” với những giá trị thu nhập tạm thời. Bởi hai chiều hướng này, nhân lực mới cho địa phương luôn là một cảnh giằng co khó phân định, và việc phân bổ lao động tại các ngành nghề đầu tư diễn ra không hề suôn sẻ, hợp lý.

Quan trọng hơn, định hình những thế hệ trẻ có công ăn việc làm ổn định tại các đô thị Đắk Lắk cũng đồng nghĩa với việc hình thành thế hệ thị dân mới. Điều này cần được chuẩn bị tốt suốt 4 - 5 năm học đại học, hay cao đẳng, hoặc học nghề tại địa phương, hay ở các vùng đô thị khác. Cần phải có những tác động tích cực từ ngành chuyên môn, các cánh cửa đào tạo, xu hướng hỗ trợ từ cộng đồng xã hội, các gia đình… để những thế hệ trẻ hiểu đúng, hiểu sâu về lựa chọn nghề nghiệp, cuộc sống của mình. Sẽ có không ít bạn trẻ bước vào trường đại học với sự mông lung về tương lai cuộc sống, nhưng cũng có không ít bạn trẻ chấp thuận theo đuổi một tay nghề thợ máy nông cụ, cao đẳng sinh hóa nông lâm để sớm quay về giúp gia đình, thôn bản... Hệ quả đi theo đó, là các bạn trẻ ấy, sau 5 năm sẽ chọn một môi trường sống thế nào, có khát vọng xây dựng gia đình ra sao, chọn đô thị phồn hoa, hay một khu dân cư ổn định bình yên. Những thế hệ thị dân mới của những đô thị Buôn Ma Thuột, hay Buôn Hồ… chắc chắn được định hình từ hôm nay, từ một kỳ thi là vậy!

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.