Nỗ lực đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội
Nhằm đưa bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH) đến người dân khó khăn, đặc biệt là đối tượng thuộc diện nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình, BHXH tỉnh phối hợp với BHXH huyện Krông Búk đã tăng cường tuyên truyền chính sách BHYT, BHXH cho người dân vùng sâu, vùng xa.
Ông Chu Vũ Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Pơng Drang cho biết, thôn Cư Blang có 290 hộ, trong đó hơn 90% là đồng bào Êđê. Người dân tại thôn Cư Blang chưa hiểu rõ về các chính sách, lợi ích khi tham gia BHYT, BHXH, hơn nữa một số hộ dân không đủ kinh phí để đóng BHYT, BHXH. Trước đây, xã Pơng Drang có tỷ lệ người dân tham gia BHYT cao, đạt 89%.
Có được con số đó là do từ năm 2020 trở về trước, đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn được Nhà nước hỗ trợ đóng 100% BHYT, trong đó có người dân thôn Cư Blang. Từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ đóng BHYT tại xã giảm xuống còn 76,8%, do thôn Cư Blang không còn thuộc diện thôn đặc biệt khó khăn.
Tuyên truyền BHYT, BHXH cho người dân thôn Cư Blang (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk). |
Đa số người dân thôn Cư Blang đều thuộc đối tượng nông, lâm, ngư nghiệp có mức sống trung bình, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 30%, ngân sách tỉnh hỗ trợ 30%, người dân chỉ phải đóng 40% khi tham gia BHYT.
Sự hỗ trợ này thể hiện tính nhân văn, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đối với những hộ gia đình có mức sống trung bình, giúp họ có điều kiện tiếp cận các dịch vụ y tế một cách tốt nhất. Đây là một chủ trương đúng, chính sách hợp lòng dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
Do đó, nhiều hộ mặc dù điều kiện kinh tế cũng chưa mấy dư dả, nhưng với sự hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh sẽ là động lực để họ tham gia BHYT. Đơn cử như trường hợp của bà H’Miên Niê (SN 1964) do thường xuyên phải nằm viện vì ốm đau, bà hiểu tầm quan trọng, lợi ích của việc tham gia BHYT.
Vì thế sau khi thôn Cư Blang không được Nhà nước hỗ trợ đóng BHYT 100%, nhưng vẫn được Nhà nước hỗ trợ 30%, ngân sách tỉnh 30%, bản thân chỉ phải đóng 40% nên bà chủ động tham gia đóng để bớt đi phần chi phí khi khám chữa bệnh. BHYT chính là “phao cứu sinh” để bà và những gia đình khó khăn vơi bớt gánh nặng, đặc biệt là những lúc ốm đau hay không may mắc bệnh hiểm nghèo.
Có một số đối tượng có thời gian đi làm tại các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh được hỗ trợ đóng BHXH, tuy nhiên sau khi nghỉ việc đã rút BHXH một lần, khiến họ chịu thiệt thòi lớn trong tương lai.
Trường hợp ông Y Jao Mlô (SN 1962) trước đây từng làm việc trong một doanh nghiệp tại thị xã Buôn Hồ. Sau 14 năm làm việc, ông nghỉ việc và mong muốn được chi trả BHXH một lần. Hiện nay, ông có mong muốn tham gia BHXH song luật hiện hành quy định lao động nếu rút BHXH một lần vẫn có thể tiếp tục đóng BHXH nhưng không được bảo lưu số năm tham gia trước đó mà tính lại từ đầu. Tuy nhiên, kinh tế không ổn định, hiện ông Y Jao đã 60 tuổi, dù vẫn được tham gia BHXH tự nguyện nhưng phải tốn nhiều thời gian và tiền bạc hơn khiến ông rất tiếc nuối.
Tặng thẻ BHYT cho người dân khó khăn trên địa bàn xã Cư Pơng (huyện Krông Búk). |
Ông Lê Xuân Hòa, Phó Giám đốc BHXH huyện Krông Búk cho hay, chỉ tiêu kế hoạch của UBND tỉnh giao cho BHXH huyện Krông Búk gần 59.900 thẻ BHYT, tuy nhiên trên địa bàn huyện hiện chỉ có 54.500 thẻ BHYT, còn thiếu rất nhiều thẻ so với chỉ tiêu tỉnh giao.
Chính vì vậy, BHXH huyện Krông Búk đã tham mưu cho Huyện ủy, UBND huyện, ban chỉ đạo các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức đoàn thể hỗ trợ một phần kinh phí mua thẻ BHYT cho người dân khó khăn trên địa bàn.
Ngoài ra, BHXH huyện Krông Búk cũng ký Quy chế phối hợp với Công an huyện lấy mã căn cước định danh để tích hợp vào căn cước công dân, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân...
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc