Vì mục tiêu nâng cao chất lượng dân số
Ngày Dân số thế giới (11/7) năm 2022 có chủ đề “Thế giới 8 tỷ người: Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người, cần khai thác cơ hội và bảo đảm quyền lựa chọn cho tất cả mọi người”.
Ngày Dân số thế giới 11/7 là dịp để nhân loại nhìn lại những thành tựu trong lĩnh vực dân số, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống, nâng cao chất lượng dân số và tuổi thọ của người dân, góp phần phát triển đất nước.
Từ năm 2011 đến năm 2022, dân số thế giới đã tăng từ 7 tỷ lên 8 tỷ người. Ở Việt Nam, hiện dân số đã tăng lên hơn 90 triệu người. Cùng với những kết quả đã đạt được trong việc nâng cao tuổi thọ, chất lượng dân số, công tác dân số hiện nay cũng đang đối mặt với nhiều thách thức.
Cán bộ dân số xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) tuyên truyền cho người dân trên địa bàn về chính sách dân số. |
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã nhận định công tác dân số là vấn đề rất lớn và khó, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, liên quan đến việc bảo vệ, phát triển giống nòi, quốc gia, dân tộc. Nghị quyết 21 được ban hành với mục tiêu giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề, mối quan hệ tác động qua lại giữa dân số và kinh tế xã hội, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững. Trong đó, trọng tâm là duy trì mức sinh thay thế, đưa tỷ lệ giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên, tận dụng hiệu quả cơ cấu "dân số vàng"; thích ứng với già hóa, phân bổ dân số, quản lý dân cư và nâng cao chất lượng dân số.
Bám sát tinh thần Nghị quyết 21, công tác dân số của tỉnh Đắk Lắk đã chuyển từ chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Xác định nâng cao chất lượng dân số là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác dân số thời kỳ mới, ngành chức năng của tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, chú trọng truyền thông trực tiếp đến đối tượng. Cùng với hoạt động của đội ngũ cộng tác viên dân số đến từng thôn, buôn, hộ gia đình, các mô hình câu lạc bộ về nâng cao chất lượng dân số cũng được triển khai ở nhiều địa phương.
Do nhiều nguyên nhân, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn tồn tại dai dẳng, gây nhiều hệ lụy. Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” được Ban Dân tộc tỉnh triển khai đến các huyện đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, cung cấp thông tin, từng bước nâng cao nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ, trẻ vị thành niên, thanh niên về Luật Hôn nhân và gia đình, ý thức chấp hành pháp luật. Đơn cử như Câu lạc bộ “Phụ nữ nói không với tảo hôn, kết hôn cận huyết thống” tại huyện biên giới Ea Súp; Chương trình truyền thông “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại trường THCS trên địa bàn huyện Cư M’gar…
Quan tâm chăm sóc trẻ em là một nội dung trong việc nâng cao chất lượng dân số. Trong ảnh: Trẻ em ở xã Cư San (huyện M'Drắk) . |
Hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số được đặc biệt quan tâm đến vùng khó khăn, đối tượng yếu thế. Dự án Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh trong cộng đồng dân tộc thiểu số được thực hiện từ năm 2018 tại hai huyện Krông Bông và Lắk đã đạt kết quả thiết thực, hiện đang tiếp tục triển khai tại hai huyện Ea Súp và M’Drắk đến giai đoạn 2021 - 2024. Hiện cơ quan chức năng của tỉnh đang phối hợp triển khai Dự án “Tăng cường kiến thức và thực hành chăm sóc sức khỏe sinh sản cho thanh thiếu niên khuyết tật”, dự án sẽ tập huấn cho thanh thiếu niên khuyết tật cùng cha mẹ, người chăm sóc, nuôi dạy các em kiến thức, kỹ năng về sức khỏe sinh sản nhằm có sự hỗ trợ, can thiệp phù hợp, kịp thời khi cần thiết.
Những hoạt động thiết thực đã từng bước làm thay đổi nhận thức và hành vi của các tầng lớp nhân dân về dân số và phát triển. Hằng năm toàn tỉnh có hàng nghìn bà mẹ mang thai được khám sàng lọc trước sinh và hàng nghìn em bé được sàng lọc sơ sinh; vị thành niên và thanh niên được tiếp cận với nhiều dịch vụ về dân số - kế hoạch hóa gia đình và được trang bị những kiến thức cần thiết về chăm sóc sức khỏe sinh sản trước khi kết hôn.
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hành động giai đoạn 2021 - 2025 của tỉnh thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam và Kế hoạch truyền thông dân số tỉnh đến năm 2030 xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của công tác dân số giai đoạn này. Mới đây, kế hoạch thực hiện Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 của tỉnh đã nêu rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể để loại trừ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội đối với việc thanh niên tham gia thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; phụ nữ mang thai thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh tật trước sinh; trẻ sơ sinh được thực hiện sàng lọc, chẩn đoán, điều trị một số bệnh bẩm sinh.
Cùng với đó, việc phát huy lợi thế "dân số vàng", chủ động thích ứng với già hóa dân số theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược Dân số đến năm 2030 của Việt Nam cũng được từng bước triển khai qua các hoạt động cụ thể, từ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến phát huy vai trò, xây dựng hệ thống chăm sóc người cao tuổi. Hoạt động này cần sự tham gia tích cực, đồng bộ từ nhiều phía, nhằm bảo đảm khai thác cơ hội và quyền lựa chọn cho mọi người như chủ đề Ngày Dân số thế giới năm nay đề ra. Triển khai đồng bộ các giải pháp vừa đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chiến lược Dân số Việt Nam 2030 vừa đảm bảo tăng trưởng bền vững về kinh tế và xã hội.
Hồng Thúy
Ý kiến bạn đọc