Multimedia Đọc Báo in

Cội nguồn nghĩa nặng, tình sâu

08:24, 17/08/2022

Ghi tạc công ơn các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công với cách mạng; hằng năm, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh đã dành nhiều tâm huyết và thời gian để triển khai chuỗi hoạt động thấm đẫm nghĩa tình.

Chăm lo người có công

Mỗi lần đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh về xã Dray Bhăng (huyện Cư Kuin) thăm gia đình Đại tá Mô Lô Bảy (thương binh, nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đều không khỏi trăn trở. Nhà đông người nhưng khu nhà bếp đã cũ kỹ, chật hẹp, ảnh hưởng đến việc sinh hoạt thường ngày. Đây cũng là lý do, đơn vị trích kinh phí, chung tay cùng UBND huyện, Ban Chỉ huy Quân sự huyện và các xã trên địa bàn hỗ trợ 100 triệu đồng giúp gia đình xây mới nhà bếp.

Cán bộ lực lượng vũ trang tỉnh chúc mừng gia đình Đại tá Mô Lô Bảy có nhà bếp mới.

Gọi là khu nhà bếp, nhưng các đơn vị luôn tâm niệm giúp sức nhiều hơn để nơi sinh hoạt của gia đình người có công thêm tươm tất. Bởi vậy, không chỉ 3 gian phòng (phòng ăn, bếp và phòng vệ sinh), mà khoảng sân nhà, trụ đặt bồn nước đều được xây dựng bài bản, chắc chắn. Bà H’Klơk Bdap, vợ ông Mô Lô Bảy vui mừng: “Ông tuổi đã già rồi, sức khỏe sụt giảm hẳn, nhờ các đơn vị, địa phương giúp đỡ, việc sinh hoạt thường ngày được thuận lợi hơn. Gia đình rất cảm kích trước tấm lòng và sự quan tâm chu đáo ấy”…

Là một trong những đơn vị dẫn đầu trong toàn Quân khu 5 về thực hiện công tác chính sách quân đội, hậu phương quân đội, những năm qua, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh luôn hướng về người có công với nhiều hoạt động nghĩa tình. Từ tình hình thực tế, hằng năm, các đơn vị đều triển khai lực lượng hỗ trợ xây dựng nhà ở, tặng sổ tiết kiệm, cây giống vật nuôi để người có công thêm ổn định cuộc sống vật chất, tinh thần. Đơn cử như năm nay, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 3 căn nhà Tình nghĩa, nhà bếp và tặng sổ tiết kiệm cho 2 gia đình người có công.

Chung lòng tri ân, các cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng vũ trang đã thường xuyên chăm lo, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng; tổ chức các đoàn công tác thường xuyên thăm, tặng quà gia đình chính sách trên địa bàn dịp lễ, Tết. Trong đợt hành quân dã ngoại mới đây, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 584 đã dành nhiều ngày công lao động giúp các gia đình thương binh, liệt sĩ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư M’gar sửa sang nhà ở, dọn dẹp vệ sinh. Trung tá Đặng Tuân, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn chia sẻ: "Điều làm chúng tôi hạnh phúc nhất là sự tiếp đón nhiệt thành, ấm áp từ các gia đình người có công. Chuyến đi cũng là thực tiễn sống động nhất giúp chiến sĩ trẻ hiểu hơn về giá trị của hòa bình, ý nghĩa của việc tri ân người có công với cách mạng”.

Hành trình không ngừng nghỉ

Trong hành trình tri ân, phải nhắc đến sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cán bộ, chiến sĩ Đội K51. Hơn 20 năm qua, họ đã thực hiện hàng nghìn chuyến băng rừng, lội suối để tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất bạn Campuchia về với đất mẹ.

Mỗi năm, cả Đội dành gần 6 tháng mùa khô cho nhiệm vụ trên đất bạn. Chạy đua với sự khắc nghiệt của thời gian, những người lính thời bình hôm nay tích cực thu thập, xử lý thông tin, sẵn sàng lên đường khi có thông tin mộ chí.

Năm 2018, nhận được tin báo có một mộ liệt sĩ nằm giữa rừng già thuộc huyện Betchanđa (tỉnh Mondulkiri, Campuchia), tổ công tác của Đội K51 bắt đầu lên đường khi trời vừa kịp sáng. Gần nửa ngày đi xe máy và 2 giờ len lỏi giữa rừng hoang, họ chẳng màng bữa trưa, nhanh chóng tìm kiếm trên mọi ngóc ngách của cánh rừng trước khi trời tối. May mắn, tìm thấy vị trí chôn cất, Đội phát hiện một ngôi mộ nằm sâu chừng 0,7 m, còn nguyên tăng võng dần lộ lên. Khi đó đã gần 14 giờ chiều, mọi người vỡ òa niềm vui, cảm xúc thiêng liêng đã làm tan hết mọi đói mệt, cực nhọc.

Cán bộ, chiến sĩ Đội K51 đưa hài cốt liệt sĩ tìm kiếm được ở Campuchia về Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh làm lễ truy điệu, an táng.

Tìm mộ liệt sĩ giữa rừng hoang như "mò kim đáy bể" và Đội K51 đã có hàng trăm chuyến đi như vậy. Mùa khô 2022 vừa qua, đơn vị nhận được tin báo nơi cánh rừng dọc suối Đắk Huýt thuộc huyện Keosama có thông tin liệt sĩ. Cả tổ bám bộ theo con suối nhỏ, ròng rã tìm kiếm hai ngày liền không có kết quả, nỗi buồn cứ thế đè nặng trong tim mỗi người. Trở về giữa mưa, con suối cạn bất ngờ dâng cao nước, khiến các anh phải bám tìm phương hướng khác giữa rừng, len lỏi hơn nửa ngày trời, con đường mòn phía xa xa chân núi mới bắt đầu hiện ra…

Do đặc thù nhiệm vụ, hầu hết cán bộ, chiến sĩ Đội K51 cơ bản công tác ổn định lâu năm, trong số đó có nhiều người gần như dành cả tuổi trẻ của mình, đó là Thượng úy Vi Xuân Thành, Thượng úy Lê Văn Cường, Trung tá Lương Hữu Long, Đại úy Đặng Văn Thế… đã có trên 8 năm gắn bó với công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Cũng có những cán bộ, chiến sĩ, dẫu mới làm quen, nhưng luôn cháy bỏng sức trẻ, lửa tâm huyết. Ở Đội, dẫu có mới có cũ, kinh nghiệm khác nhau nhưng hầu hết đều dốc lòng, tận tâm vì nhiệm vụ chung là tìm kiếm, quy tập hài cốt đồng đội về lại đất mẹ. Mệnh lệnh khắc ghi ấy là động lực để các anh tìm được khoảng 700 mộ liệt sĩ trên đất bạn Campuchia và tiếp tục miệt mài đào xới, tìm kiếm hàng trăm ngôi mộ khác đang nằm giữa những cánh rừng hoang lạnh…

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.