Multimedia Đọc Báo in

Để lòng hiếu kính "nở hoa" mỗi ngày

06:42, 14/08/2022

Mỗi năm đến dịp rằm tháng 7 âm lịch, không chỉ những người theo đạo Phật, tất cả người Việt đều nhớ đến mùa Vu Lan báo hiếu. Đây là một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo có ảnh hưởng lớn nhất đến đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam trong hơn 2 nghìn năm qua.

Lễ Vu Lan xuất phát từ sự tích Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ (quỷ đói). Vu Lan trở thành ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ và tổ tiên nói chung, nhắc nhở mỗi người biết trân trọng những gì mình đang có, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến công ơn sinh dưỡng của cha mẹ mà làm những việc hiếu nghĩa để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn.

1
Hiếu kính mẹ.  Ảnh: Quang Sơn 

Trong cuộc sống mưu sinh ngày càng khốc liệt, câu chuyện giữ gìn gia đạo, gia phong và lòng hiếu kính với cha mẹ trong mỗi gia đình luôn được xã hội nhắc đến, thậm chí cảnh báo.

Với tôi, bữa cơm ngon nhất là lúc về quê tự tay đi chợ mua thức ăn, rồi xông xáo ra mảnh vườn thân yêu hái rau, củ, quả. Sau đó, lọ mọ vào bếp nấu món tâm đắc nhất cùng cha mẹ dùng cơm dưới mái nhà đơn sơ.

Đấy là giấc mơ đơn giản nhưng vô cùng xa xỉ với những đứa con quê phải viễn xứ để mưu sinh. Nói thế để thấy những ai đang ngày đêm được ở cạnh cha mẹ là niềm hạnh phúc lớn. Có xa quê, hay mất cha mẹ, mới cảm nhận hết nỗi đau cũng như sự mặc cảm chưa làm tròn bổn phận con cái với đấng sinh thành.

Tuy nhiên, cũng có nghịch lý, không phải những đứa con suốt đời ở bên cạnh cha mẹ mới là có hiếu hơn con ở xa. Không phải đứa giàu có thương cha mẹ hơn anh em nghèo. Không phải lúc cha mẹ mất đi mới làm mâm cao, cỗ đầy, khóc than thảm thiết mới thể hiện có hiếu. Đến đây, khái niệm về lòng hiếu kính với cha mẹ cần được hiểu rộng hơn.

Bên cạnh đối xử với cha mẹ, về tinh thần Phật giáo Việt Nam thì ngày Vu Lan hằng năm còn là ngày tri ân, báo ân tới những người có công với đất nước, những anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu, hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Tư tưởng ấy hoàn toàn phù hợp với tư duy hiền hậu chất phác của người Việt Nam: “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”. Theo lời Phật dạy, việc tỏ lòng thành kính, biết ơn mỗi người có những cách thể hiện khác nhau. Các Phật tử thường làm lễ cúng dường, lễ cầu siêu, ăn chay, làm phúc bố thí, phóng sinh để tích phúc cầu an, cầu mong cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, hóa giải nghiệp chướng… Trong đó, đại chúng có cách thể hiện theo suy nghĩ và nhận thức khác. Dù thế, mẫu số chung vẫn là thể hiện tâm thiện lành, hồi hướng giúp đỡ và quan tâm những người thân quen, cộng đồng để hưởng công phúc chung.

Tuy nhiên, mỗi dịp mùa Vu Lan báo hiếu đến, dư luận cũng rất phiền muộn bởi những biến tướng tiêu cực, bị yếu tố mê tín, phi Phật giáo tác động, nhức nhối nhất là tục đốt vàng mã. Dịp này, nhà nhà lại sắm sửa lễ vật, vàng mã để cúng chúng sinh. Mặc dù nhận thức được đốt vàng mã là tốn tiền của, là gây khói bụi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh và ngay cả khi nhiều ngôi chùa đã đặt biển cấm đốt vàng mã trong chùa, song việc đốt vàng mã vẫn diễn ra phổ biến.

Phật ở trong tâm, lòng hiếu kính với cha mẹ, lòng trắc ẩn với tha nhân phải xuyên suốt chứ không mang tính nhất thời. Do đó, làm sao để mỗi ngày lòng hiếu kính, lời nói cùng hành động thiện lương được “nở hoa” trong xã hội, quan trọng nhất là nhờ vào sự tu dưỡng của mỗi chúng ta.

Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.