Multimedia Đọc Báo in

Những cựu chiến binh nặng lòng với văn hóa truyền thống

08:21, 25/08/2022

Sau khi rời quân ngũ, nhiều cựu chiến binh ở các xã vùng sâu huyện Krông Bông đã tích cực tham gia công tác xã hội, gánh vác công việc của buôn làng. Đặc biệt, một số cựu chiến binh là người dân tộc Êđê, M'nông đã gương mẫu, đi đầu trong việc bảo tồn những nét đẹp hóa truyền thống dân tộc.

Tốt nghiệp THPT năm 2008, anh Y Puên Niê (dân tộc M'nông) ở buôn Bhung, xã Cư Pui tình nguyện nhập ngũ vào Trung đoàn lính trinh sát thuộc Sư đoàn 10, Quân đoàn 3 (đóng tại Kon Tum). Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, anh Y Puên thi vào Trường Trung cấp Đam San (khoa Quản lý văn hóa).

Tốt nghiệp ra trường, anh Y Puên Niê xin vào làm công tác văn hóa tại xã Cư Pui, phụ trách đài truyền thanh của xã. Với niềm đam mê và mong muốn bảo tồn những nét đẹp truyền thống, những năm qua Y Puên đã tìm hiểu, học hỏi chế tác, sử dụng được nhiều nhạc cụ như: đàn Brô, Goong, Sáo vỗ, Đing Tắk Tar, Đing Năm...

Y Puên cũng là người có giọng hát cao, ấm, đậm chất Tây Nguyên. Anh sáng tác và thể hiện nhiều bài hát ca ngợi về quê hương Cư Pui. Anh đã đoạt Huy chương Vàng tiết mục: độc tấu sáo vỗ “Ê Ra Đăm Ra” tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh Đắk Lắk lần thứ 12.

Cựu chiến binh Y Puên Niê có thể chế tác, sử dụng được nhiều loại nhạc cụ truyền thống.

Không những làm tốt nhiệm vụ được giao, anh còn dành nhiều thời gian dạy cho lớp trẻ trong buôn cách chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ. Cựu chiến binh Y Puên trăn trở: “Những nhạc cụ, những bài hát truyền thống của người M'nông ở đây đang có nguy cơ bị mai một, quên lãng. Vì vậy, mình muốn góp một phần công sức nhỏ để khơi dậy và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Năm 1975 ông Y Tăng Niê (dân tộc Êđê) ở buôn Mghí, xã Yang Mao xuất ngũ về địa phương sau 5 năm quân ngũ. Ông tiếp tục tham gia công tác xã hội ở địa phương và giữ nhiều chức vụ trong xã. Năm 2013, ông Y Tăng xin nghỉ về buôn nhưng ông lại được bà con bầu chọn làm già làng. Nhận thấy các lễ cúng trong buôn đang ngày càng bị lãng quên, năm 2015 ông đã đề nghị với lãnh đạo xã Yang Mao và Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Krông Bông phục dựng lễ cúng bến nước của buôn Mghí. Giờ đây tuy tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng già làng Y Tăng vẫn cần mẫn, gương mẫu, tâm huyết với công việc của buôn. Đặc biệt, ông luôn quan tâm đến việc bảo tồn những nét đẹp về văn hóa truyền thống. Già làng Y Tăng có thể thổi được nhiều loại nhạc cụ, đánh được chiêng đồng, chiêng Kram. Ông luôn nhắc nhở và truyền dạy cho con cháu trong gia đình và lớp trẻ trong buôn, trong xã những gì ông biết về vốn văn hóa của dân tộc. Ông còn thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa tại nhà sinh hoạt cộng đồng, tại nhà sàn của những gia đình trong buôn.

Cựu chiến binh Y Tăng Niê (thứ hai từ trái sang) trong lễ khai giảng lớp truyền dạy đánh chiêng Kram trẻ tại xã Yang Mao.

Cựu chiến binh Y Lang Êban (dân tộc Êđê) ở buôn Chàm A, xã Cư Drăm sau khi tham gia 12 năm trong quân ngũ (đơn vị Tiểu đội 2, Trung đội 2 thuộc H9), năm 1976 trở về địa phương, ông tiếp tục tham công tác ở xã, làm Trưởng Công an xã Cư Drăm đến năm 1995. Khi về nghỉ, ông tiếp tục được bà con trong buôn tín nhiệm bầu làm già làng. Từ đó đến nay, già Y Lang đảm nhiệm những công việc lễ nghi truyền thống của buôn. Ngoài ra, ông còn dạy lại các bài cúng cho thế hệ kế cận; dạy lớp trẻ trong buôn thổi các loại nhạc cụ, đánh chiêng đồng, chiêng Kram; nhắc nhở các gia đình giữ gìn những bộ cồng, chiêng, ché cổ quý hiếm và những vật dụng truyền thống có giá trị… Với những đóng góp trong thời kỳ kháng chiến và cho buôn làng, vừa qua cựu chiến binh Y Lang Êban được Bộ Quốc phòng mời gặp mặt những người có công với cách mạng tại Hà Nội.

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.