Multimedia Đọc Báo in

Thí sinh trượt tốt nghiệp vì ngủ quên khi thi: đáng tiếc hay đáng trách!?

15:35, 05/08/2022

Câu chuyện một thí sinh ở tỉnh Cà Mau bị điểm 0 môn tiếng Anh trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 vì ngủ quên trong giờ thi đang làm dấy lên những luồng ý kiến nhiều chiều. Nhìn ở góc độ nào, thì đây cũng là sự việc rất đáng tiếc.

Bản thân thí sinh có những áp lực mùa thi, nên vẫn có trường hợp ngủ quên, đến điểm thi muộn. Do đó, thí sinh cũng phải có trách nhiệm trong việc này và rút ra cho mình những bài học đắt giá về việc sắp xếp thời gian khoa học, hợp lý để có thể ngủ đủ giấc, bảo đảm sức khỏe cho việc thi.

Về phía giám thị, hội đồng coi thi và ngành Giáo dục cũng cần có đánh giá cụ thể về tình huống này. Theo quy chế thi, trong giờ làm bài, một cán bộ coi thi bao quát từ đầu phòng đến cuối phòng, cán bộ coi thi còn lại bao quát từ cuối phòng đến đầu phòng cho đến hết giờ thi; cán bộ coi thi không được đứng gần thí sinh, giúp đỡ thí sinh làm bài thi dưới bất kỳ hình thức nào; chỉ được trả lời công khai các câu hỏi của thí sinh trong phạm vi quy định; nếu có tình huống bất thường phải báo cáo ngay cho Trưởng Điểm thi giải quyết; trước khi hết giờ làm bài 15 phút (đối với bài thi độc lập và đối với mỗi môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp), cán bộ coi thi thông báo thời gian còn lại cho thí sinh biết...

Bài thi môn tiếng Anh là bài thi trắc nghiệm, thời gian làm bài 60 phút nhưng thí sinh đã ngủ quên khoảng 40 phút, tương ứng 2/3 thời gian làm bài. Quy chế thi không nêu chi tiết phải gọi học sinh dậy làm bài nếu các em ngủ quên nhưng các giám thị phòng thi phải nắm được tình hình bởi việc ngủ quên có thể gắn với những tình huống về sức khỏe khác như ốm, ngất xỉu, đột quỵ… 

Lực lượng thanh niên tình nguyện phát nước uống cho thí sinh sau khi kết thúc buổi thi tại Điểm thi Trường THPT Chu Văn An, TP. Buôn Ma Thuột. (Hình minh họa)
Lực lượng thanh niên tình nguyện phát nước uống cho thí sinh sau khi kết thúc buổi thi tại Điểm thi Trường THPT Chu Văn An, TP. Buôn Ma Thuột. (Ảnh minh họa)

Xuyên suốt kỳ thi, Bộ GD-ĐT luôn yêu cầu, nhắc nhở các địa phương, cơ sở giáo dục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh từ công tác ôn tập, tổ chức thi đến hỗ trợ vòng ngoài về phương tiện đi lại, ăn uống nếu thí sinh có nhu cầu.

Chưa kể, niên khóa 2019-2022 là niên khóa đặc biệt khi hầu hết thời gian học của học sinh là học gián tiếp do ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Học sinh căng thẳng, sức khỏe giảm sút do học gián tiếp kéo dài là điều dễ hiểu, dễ thấy. Kỳ thi cũng diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa dứt, vấn đề sức khỏe của thí sinh cũng là một trong những nội dung được nhấn mạnh để bảo vệ quyền lợi cho các em.

Dưới góc nhìn y học thì hiện tượng một người trong giờ làm, giờ học bình thường hay thí sinh trong bất kỳ một cuộc thi nào nếu gục xuống bàn ngủ hay mất ý thức... trong một vài phút cũng cần được giáo viên, giám thị, bảo vệ, người bên cạnh quan tâm, nhìn nhận ở khía cạnh tình trạng sức khỏe có vấn đề gì hay không? Việc thí sinh trượt tốt nghiệp vì ngủ quên là câu chuyện đáng tiếc nhưng hậu quả chỉ dừng ở mức em sẽ phải chờ một năm và còn cơ hội để sửa chữa sai lầm; nhưng nếu là tình trạng bất thường về sức khỏe thì có thể đã không còn cơ hội sửa chữa.

Sự việc đáng tiếc này rồi sẽ được cơ quan chức năng xem xét, giải quyết theo đúng thẩm quyền, quy định. Nhưng qua đó, ngành Giáo dục, gia đình và xã hội cũng rút ra những bài học trong cách nhìn nhận, xử lý tình huống sao cho thấu tình đạt lý .

Nhật Minh  


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.