Multimedia Đọc Báo in

Thư viện, điểm đến bổ ích của các bạn nhỏ

08:03, 11/08/2022

Với không gian yên tĩnh, sạch sẽ, mát mẻ, Phòng Đọc thiếu nhi (Thư viện tỉnh) đã trở thành điểm đến “đốt thời gian” lý tưởng của nhiều thanh, thiếu niên nhi đồng.

Ấn tượng nhất khi đến với Phòng Đọc thiếu nhi là sự yên tĩnh, bởi ngoài thứ âm thanh sột soạt của từng trang giấy lật qua lại thì thỉnh thoảng mới có tiếng thì thầm trao đổi của một vài bạn về những mẩu chuyện hay vừa mới đọc được.

Em Lê Bảo Long (ở đường Lý Thái Tổ, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) bộc bạch, nhà ở gần Thư viện tỉnh nên hễ có thời gian là em cùng em trai Lê Bảo Châu đến thư viện để đọc sách. Những cuốn sách ở thư viện khá đa dạng, phong phú và đông bạn đến đọc nên không khí vui vẻ, không nhàm chán nhưng cũng đủ sự yên tĩnh cần thiết để tập trung đọc sách. Hễ tìm được cuốn sách nào hay chúng em lại cùng nhau ngồi đọc chung hoặc chia sẻ thông tin để các bạn có cùng sở thích tìm đọc và ngược lại nên rất thú vị.

Nguyễn Gia Bảo (bên trái) đọc sách cùng bạn tại Thư viện tỉnh.

Em Nguyễn Thị Phương Linh (ở đường Trần Nhật Duật) vui vẻ, em rất thích đọc sách bởi nó cho em nhiều kiến thức. Càng đọc nhiều sách em càng có nhiều thứ hay để “tám chuyện” với bạn bè như cốt truyện, chi tiết hài hước, những điều thú vị bất ngờ trong truyện và sau đó là tưởng tượng về ngoại truyện. Ví dụ như, nếu có túi bảo bối trong truyện tranh Doraemon thì sẽ làm gì? Suy nghĩ về nghề nghiệp mình sẽ làm trong tương lai hay đơn giản chỉ là nếu được mẹ cho tiền mua sách, mình sẽ mua sách gì...

 

Thư viện tỉnh hiện có hơn 191 nghìn bản sách, hơn 150 loại báo, tạp chí phục vụ hằng ngày, báo lưu đóng tập, cuốn sách các loại… Ngoài đọc sách tại Thư viện tỉnh, bạn đọc có thể mượn sách đem về nhà tại Phòng mượn.

Còn với em Nguyễn Gia Bảo (ở đường Tống Duy Tân, phường Tân Lợi) thì việc tự đọc sách tại Thư viện tỉnh khi không có ba mẹ bên cạnh đã giúp em thể hiện được sự tự tin, tự lập của bản thân. Gia Bảo khoe: “Con đọc khá nhiều sách, trong đó có những cuốn sách tâm đắc như: Dế mèn phiêu lưu ký, 10 vạn câu hỏi vì sao, Siêng năng… Mỗi cuốn sách, một câu chuyện có những ý nghĩa riêng và nó đem đến những điều bổ ích, giúp bản thân rèn luyện khả năng tư duy, tưởng tượng. Việc đọc sách đã giúp con đạt điểm cao khi thi vào lớp 6. Trong quá trình đọc sách, con đã học được tính tự lập, hiện tại có thể nấu cơm khi mẹ vắng nhà, dọn dẹp nhà cửa, giữ gìn sách vở sạch sẽ; ở thư viện thì tập trung đọc và giữ trật tự để không làm ảnh hưởng đến các bạn”.

Nghỉ hè là kỳ nghỉ quý giá đối với mỗi học sinh sau một năm học vất vả; đây cũng là thời gian vàng để học sinh lấy lại năng lượng tích cực, cân bằng cuộc sống trước khi bước vào năm học mới. Tuy nhiên, học sinh nghỉ học nhưng phụ huynh vẫn đi làm, do đó, để sử dụng kỳ nghỉ hè cho con trẻ hiệu quả, an toàn thì phụ huynh phải tính toán kỹ càng. Chị Nguyễn Thị Nga (mẹ của Gia Bảo) tâm sự, chị cho con làm quen với sách từ sớm nên lúc 5 tuổi, cháu đã có biểu hiện “mê” sách (xem sách ảnh mọi lúc mọi nơi, trao đổi, đặt câu hỏi về những câu chuyện chị đã đọc). Đọc sách là thói quen tốt cần được nuôi dưỡng thường xuyên nên chị luôn cố gắng xây dựng môi trường đọc sách. Việc chở con lên thư viện đọc sách được sắp xếp cụ thể trong lịch trình với thời gian tương đương một buổi học bình thường để con tiếp cận môi trường đọc sách tập thể; gặp gỡ các bạn chung sở thích; cho con tham gia các hoạt động vận động khác như học bơi, học võ, đạp xe, cắm trại, đi du lịch… để con được nghỉ ngơi và nâng cao sức khỏe. Năm học 2022 - 2023 này, Gia Bảo đã lên lớp 6 nên chị để con tự lựa sách khi đến thư viện; ở nhà thì định hướng chọn những cuốn sách ít tranh, nhiều chữ, sách văn học cổ điển… nhằm phát huy trí tưởng tượng và có góc nhìn khái quát hơn”.

Bạn đọc đọc sách tại Phòng Đọc thiếu nhi, Thư viện tỉnh Đắk Lắk.

Theo đánh giá của Thư viện tỉnh, tùy từng ngày, từng thời điểm mà lượng bạn đọc đến thư viện khác nhau nhưng những ngày hè số lượng độc giả đến thư viện tăng mạnh so với những ngày thường, bởi các em thiếu niên, nhi đồng tranh thủ nghỉ hè lên thư viện để đọc sách tại chỗ. Sách ở Phòng Đọc thiếu nhi đa số là sách màu sinh động ở nhiều lĩnh vực khác nhau và phù hợp với lứa tuổi các em; trong đó có nhiều sách tranh cho trẻ mầm non chưa biết chữ để phụ huynh có thể lên đọc cùng con. Bà Nguyễn Thị Thảo Quyên, Trưởng Phòng Nghiệp vụ, Thư viện tỉnh cho biết, thời gian tới, Thư viện tiếp tục bổ sung các cuốn sách mới căn cứ theo nhu cầu, sở thích của bạn đọc; trong đó chú trọng đến đối tượng bạn đọc là thiếu niên, nhi đồng nhằm trẻ hóa đối tượng phục vụ, góp phần xây dựng văn hóa đọc trong giới trẻ. Một số đầu sách, truyện tranh được bạn đọc kiến nghị bổ sung là: Shin - Cậu bé bút chì, Doraemon, Trạng Quỳnh, sách lý giải các hiện tượng thời tiết, sách của tác giả Nguyễn Nhật Ánh…

Nhật Minh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.