Multimedia Đọc Báo in

Tuyên truyền không thể chỉ “qua loa”

10:56, 07/08/2022

Thời điểm này, toàn tỉnh đã ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng gấp 4,5 lần so với cùng thời điểm này năm trước và đã có 2 trường hợp tử vong.

Sốt xuất huyết không phải là dịch bệnh mới, công tác tuyên truyền phòng, chống dịch được triển khai thường xuyên nhưng tuyên truyền như thế nào cho hiệu quả vẫn là vấn đề đáng lưu tâm.

Không thể phủ nhận, nhiều địa phương đã có cách làm hiệu quả trong công tác tuyên truyền phòng, chống sốt xuất huyết như: sử dụng các đội tuyên truyền lưu động vừa phát tờ rơi, vừa giải thích cặn kẽ cho người dân ở vùng sâu, vùng xa hiểu nguyên nhân, cách phòng tránh, “cầm tay chỉ việc” cho bà con để diệt bọ gậy. Đồng thời, chính người dân đó làm tuyên truyền viên cho người thân trong gia đình, bà con làng xóm, tạo hiệu ứng lan tỏa. Nhiều nơi, hội phụ nữ, đoàn thanh niên đã tổ chức các đội hình tình nguyện ra quân dọn vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, thu gom phế thải, súc rửa, đổ các vật dụng chứa nước để loại trừ các ổ chứa bọ gậy...

Tuy nhiên, đi về một số buôn thuộc xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh mới thấy rõ, còn rất nhiều “vùng lõm” trong nhận thức về công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết. Không khó để bắt gặp các vỏ lon, hộp nhựa, lốp xe, xô, chậu cũ... thậm chí là các gốc tre, nứa đều chứa nước tù đọng lâu ngày. Đây đều là môi trường sản sinh ra bọ gậy, muỗi và dẫn đến bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết. Để phòng dịch, việc đầu tiên và đơn giản nhất là đổ hết nước, thu gom các vật dụng cũ để bán phế liệu hoặc sử dụng cát đổ đầy các gốc tre, nứa nhưng người dân gần như không lưu tâm.

Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin và Trạm Y tế xã Ea Hu phát tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng, chống dịch sốt xuất huyết.

Dường như, người dân có tâm lý chủ quan trước dịch sốt xuất huyết. Không những vậy, sự vào cuộc của một số địa phương, đoàn thể ở cơ sở trong công tác tuyên truyền, dập dịch cũng rất chậm chạp. Một số nơi gần như “khoán trắng” công tác này cho ngành y tế. Trong khi đó, để phòng, chống dịch thì nhận thức của mỗi người dân là yếu tố quyết định. Vì vậy, cần tập trung truyền thông bằng nhiều hình thức chứ không thể chỉ biên soạn tài liệu rồi phát qua hệ thống loa truyền thanh bởi “lời nói gió bay”.

Thực tế đã minh chứng ở nơi nào, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương sâu sát, chỉ đạo quyết liệt, vào cuộc bằng việc làm cụ thể chứ không phải chỉ bằng văn bản hay tuyên truyền “qua loa” thì nơi đó dịch không bùng phát, hoặc nếu có cũng được ngăn chặn kịp thời, không lan trên diện rộng.

Thiết nghĩ, để góp sức cùng ngành y tế phòng, chống dịch sốt xuất huyết, mỗi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, đồng thời có cách làm cụ thể, phù hợp trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.