Multimedia Đọc Báo in

Xã Ea Tar (huyện Cư M’gar): Linh hoạt trong triển khai thực hiện “Vệ sinh toàn xã”

08:20, 09/08/2022

Được chọn tham gia Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vốn vay Ngân hàng Thế giới (gọi tắt là Chương trình) từ năm 2020, xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) đã tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về vệ sinh môi trường nông thôn, hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng xã đạt “Vệ sinh toàn xã”.

Xã Ea Tar có 10 thôn, buôn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 60%, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Khi tham gia Chương trình, xã có xuất phát điểm khá thấp, số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh chỉ đạt 57%, số hộ có chỗ rửa tay có xà phòng khoảng 70%, chủ yếu tập trung ở các thôn, còn tại 6 buôn tỷ lệ này đạt thấp. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số chưa chú trọng đến việc đầu tư xây dựng công trình vệ sinh mà chỉ dựng tạm bằng ván cũ, quây bằng tôn, bạt rất sơ sài hoặc đào hố ngay trong vườn, gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường.

Hệ thống cấp nước của Trạm Y tế xã Ea Tar được sửa chữa, nâng cấp từ nguồn vốn của Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”.

Để triển khai thực hiện Chương trình, UBND xã đã tổ chức lễ phát động, ngày hội vệ sinh toàn xã; tổ chức ký cam kết; chỉ đạo trạm y tế và các đoàn thể, ban tự quản thôn, buôn đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện vệ sinh môi trường bằng nhiều hình thức nhằm thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen sinh hoạt hằng ngày của người dân; khảo sát nhu cầu xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh của các hộ để có biện pháp hỗ trợ…

 

“Mặc dù xã đã được công nhận đạt “Vệ sinh toàn xã” nhưng về lâu dài, để Chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự thay đổi rõ nét trong nhận thức, hành vi của người dân nhằm duy trì, nâng cao các tiêu chí để hướng đến bền vững” - Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tar Thái Thị Anh Hòa.

Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tar Thái Thị Anh Hòa cho biết: Phong tục của đồng bào dân tộc tại chỗ theo chế độ mẫu hệ, người phụ nữ có tiếng nói quyết định. Vì vậy, UBND xã đã chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ xã vào cuộc, lồng ghép việc thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với các tiêu chí của Chương trình; đồng hành cùng ban tự quản, cộng tác viên y tế thôn, buôn “rà từng hộ” để có cách truyên truyền, vận động phù hợp.

Tham gia Chương trình, toàn xã có 150 hộ thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được chọn hỗ trợ làm nhà vệ sinh với mức 1,2 triệu đồng/hộ. Do quy định của Chương trình là nguồn vốn chỉ được giải ngân sau khi kiểm đếm kết quả, vì vậy cán bộ, nhân viên Trạm Y tế xã đã đứng ra vay mượn để tạm ứng cho nhà thầu 50 triệu đồng; đồng thời tìm hiểu quy cách xây dựng, hướng dẫn cho gia đình tự đào hố, góp ngày công lắp đặt nhằm tiết kiệm tối đa chi phí.

Sự vào cuộc của chính quyền, đoàn thể, lực lượng y tế xã đã tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức của người dân. Ngoài các hộ được hỗ trợ kinh phí, rất nhiều hộ khác đã tự đầu tư xây dựng công trình vệ sinh đạt chuẩn và điểm rửa tay có xà phòng. Chị H’Nghiên Mlô (buôn Dray Sí) cho hay, khi làm lại nhà, vợ chồng chị đã bàn bạc, quyết định vay mượn thêm tiền để xây dựng công trình vệ sinh khép kín có điểm rửa tay, rất thuận tiện cho sinh hoạt, bảo đảm sức khỏe của gia đình.

Được sửa chữa, nâng cấp từ nguồn vốn của Chương trình, hệ thống cấp nước của Trạm Y tế xã Ea Tar hoạt động ổn định.

Ngoài nguồn vốn hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh hộ gia đình, xã Ea Tar còn được hỗ trợ kinh phí để sửa chữa và xây dựng hệ thống cấp nước của Trạm Y tế xã và các trường học nhằm bảo đảm các chỉ số kiểm đếm theo quy định của Chương trình. Sau 1 năm triển khai, toàn xã đã có 82% số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh, 84% số hộ có điểm rửa tay bằng xà phòng, 86% số hộ có nguồn nước hợp vệ sinh và được UBND tỉnh công nhận đạt “Vệ sinh toàn xã”.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.