Multimedia Đọc Báo in

Buôn Cuôr Kăp đưa hương ước vào cuộc sống

08:07, 22/09/2022

Buôn Cuôr Kăp (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) có gần 350 hộ và hơn 1.600 nhân khẩu với 5 dân tộc là Êđê, Kinh, Mường, Tày, Nùng. Quá trình đô thị hóa và sự phát triển kinh tế - xã hội những năm qua đã làm thay đổi mọi mặt đời sống của cư dân buôn Cuôr Kăp.

Chính vì vậy, việc xây dựng hương ước, quy ước thật cụ thể, rõ ràng từ những luật tục của đời sống gắn với chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đã giúp bà con có thêm chuẩn mực trong mọi hoạt động tại cộng đồng dân cư, phát huy khối đại đoàn kết giữa các dân tộc anh em.

Bản hương ước đầu tiên của buôn Cuôr Kăp được xây dựng từ hơn 20 năm trước khi dân cư ở buôn còn thưa thớt, thành phần dân tộc gần như thuần nhất là người Êđê. Lúc ấy, ở buôn nhiều tập tục lạc hậu vẫn còn tồn tại như đám ma kéo dài nhiều ngày, cưới hỏi không dựa trên sự tự nguyện tìm hiểu của đôi trẻ, tảo hôn… Chính vì vậy, việc xóa các hủ tục, tập tục lạc hậu đã được đưa vào hương ước để bà con thực hiện và cùng theo dõi, nhắc nhở nhau, đưa đời sống ngày một văn minh, tiến bộ hơn.

Đoạn đường từng bị lấn chiếm của buôn Cuôr Kăp được người dân hoàn trả lại nhờ sự vận động của các tổ chức, đoàn thể tại buôn.

Tuy nhiên, trải qua một thời gian dài không được chỉnh sửa, cập nhật, hương ước buôn Cuôr Kăp dần xa rời biến động của đời sống dân cư, không còn phát huy hiệu quả thực sự trong mọi hoạt động của buôn làng. Chính vì thế, đầu năm 2022, Chi bộ, Ban tự quản, Ban Công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể buôn Cuôr Kăp đã bắt tay xây dựng hương ước mới, lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của cộng đồng dân cư. Hương ước quy định chi tiết nhiều vấn đề của cộng đồng, từ phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa cho đến giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo vệ cây xanh, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ, phòng, chống dịch bệnh…

 
Khi được UBND các cấp phê duyệt, Ban tự quản buôn sẽ phổ biến hương ước tới toàn thể nhân dân và giao cho từng cụm dân cư chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát việc thực hiện. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để Chi bộ, Ban tự quản, Ban công tác Mặt trận xây dựng nghị quyết, kế hoạch cũng như đánh giá kết quả hoạt động qua từng năm và thực hiện điều chỉnh, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế và nguyện vọng của người dân”.
 
Trưởng buôn Cuôr Kăp Y Yên Mlô

Trưởng buôn Cuôr Kăp Y Yên Mlô cho hay, với đặc thù có đông đồng bào dân tộc Êđê chung sống cùng các dân tộc anh em khác, điều quan trọng của hương ước là khuyến khích mọi người bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của dân tộc mình cũng như giữ gìn mối gắn kết hài hòa giữa tất cả mọi người dù không cùng tôn giáo, dân tộc. Tại buôn hiện có một đội chiêng của các nghệ nhân lớn tuổi người Êđê, một số nhà sàn của người dân còn được bảo tồn, phục dựng. Người dân ở buôn vẫn còn giữ những nghi lễ truyền thống như: cúng sức khỏe, mừng nhà mới… Nhiều hủ tục như: kết hôn cận huyết thống, tảo hôn, ép gả, mê tín dị đoan… đã được xóa bỏ. Tinh thần tương trợ, đoàn kết của bà con trong buôn luôn được phát huy, nhất là khi có gia đình trong buôn gặp khó khăn, hoạn nạn.

Những điều khoản trong hương ước không chỉ nhắc nhở bà con phát huy những vốn quý của truyền thống dân tộc mình, học hỏi những tư tưởng tiến bộ, loại bỏ hẳn những quan niệm lệch lạc mà còn lồng ghép những quy định của phát luật gắn với nghĩa vụ của mỗi người dân, hướng đến cuộc sống ngày càng văn minh, bình đẳng như: thực hiện đăng ký kết hôn trước khi tổ chức lễ cưới, kế hoạch hóa gia đình, không để con em bỏ học, tuân thủ tiêm chủng vắc xin để phòng dịch bệnh, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng lành mạnh…

Bên cạnh đó, hương ước buôn Cuôr Kăp còn nhấn mạnh việc huy động sức mạnh của người dân trong việc hưởng ứng và tham gia xây dựng nông thôn mới. Các hộ gia đình, cá nhân cùng có trách nhiệm tham gia bàn bạc, tích cực góp công, góp của để xây dựng đường giao thông nông thôn, bảo vệ công trình công cộng, giữ gìn vệ sinh môi trường, phát triển cây xanh… Những tập thể, cá nhân thực hiện tốt hương ước sẽ được biểu dương trong các cuộc họp, đề nghị các cấp trên khen thưởng. Còn đối với những hành vi, biểu hiện chưa tốt sẽ bị phê bình, nhắc nhở trước toàn thể nhân dân. Đây chính là những “sức nặng” vô hình để bà con trong buôn tuân thủ những quy ước do chính mình cùng cộng đồng đặt ra.

 

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.