Multimedia Đọc Báo in

Hạnh phúc quan trọng hơn tiền!

08:51, 26/09/2022

Trong cuộc sống của mỗi người, có những giá trị còn quan trọng, lâu bền hơn cả tiền tài vật chất, đó là hạnh phúc. Các quốc gia nói riêng cũng như cả thế giới nói chung cũng đang hướng đến những giá trị to lớn bên cạnh phát triển kinh tế là tính bền vững và một cộng đồng hạnh phúc. Trong bài viết nhỏ này, xin nói đến giá trị bền vững mà ngành du lịch đang nỗ lực theo đuổi.

Có một thực trạng của du lịch – ngành công nghiệp không khói - trước đây là người ta thường chỉ quan tâm đến lợi nhuận, giá trị kinh tế của nó mang lại. Nhiều nơi người ta làm du lịch bằng mọi giá và hệ lụy thì đã rõ: doanh thu chỉ dồn vào một số cá nhân doanh nghiệp, trong khi cộng đồng chẳng được hưởng lợi gì; môi trường bị tác động tiêu cực, hình ảnh địa phương, quốc gia bị ảnh hưởng.

Gần đây, không chỉ các doanh nghiệp, địa phương, quốc gia mà thế giới quan tâm hơn đến du lịch bền vững. Đây là cách làm du lịch hạn chế chi phí và nâng cao tối đa các lợi ích cho môi trường tự nhiên và cộng đồng địa phương. Ở đây, người làm du lịch có thể được hưởng lợi lâu dài nhưng không xâm hại đến môi trường. Bên cạnh đó, du lịch không chỉ đáp ứng nhu cầu của du khách mà tạo thu nhập cho cộng đồng bản địa để từ đó họ quan tâm đến vấn đề bảo tồn, gìn giữ các nguồn tài nguyên về tự nhiên và văn hóa. Du lịch bền vững sẽ mang đến những giá trị bền vững về môi trường – xã hội, ở đó, mọi người đều hạnh phúc. Vậy còn gì viên mãn hơn khi mỗi cá nhân, cộng đồng không chỉ có được thịnh vượng và hạnh phúc. Vậy tại sao phải đánh đổi những điều quý giá lâu bền cho giá trị kinh tế trước mắt.

 Hoạt động đưa hoa  lan về với tự nhiên
Người yêu hoa lan trong cả nước thích thú tham gia Chương trình "Đưa hoa lan về với tự nhiên" nhằm góp phần gìn giữ gìn giữ, bảo tồn những giống hoa lan quý hiếm trong thiên nhiên cũng như giúp du khách có điều kiện được chiêm ngưỡng vẻ đẹp đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên. Ảnh: Gia Nguyên

Tìm hiểu qua về du lịch của đất nước Bhutan sẽ hiểu vì sao đây được thế giới gọi là quốc gia hạnh phúc. Từ những năm 1980, quốc gia này đã lựa chọn du lịch phát triển bền vững với phương châm “Giá trị cao – Tác động thấp”. Họ chấp nhận bỏ qua du lịch đại chúng để tiếp nhận khách du lịch có chọn lọc hơn. Bhutan chú trọng vào hình ảnh bản sắc dân tộc, không chạy theo xu hướng du lịch xô bồ, ồn ào. Bởi vậy, bên cạnh sự giàu có, Bhutan là quốc gia duy nhất trên thế giới được coi là “Carbon negative country” (đất nước không có carbon), trở thành “Vương quốc hạnh phúc” và là một trong những điểm đến bền vững nhất trên thế giới.

Suy cho cùng, cách làm du lịch của đất nước Bhutan là hình mẫu của hình thức du lịch cộng đồng – cộng đồng làm du lịch, cộng đồng được hưởng lợi từ du lịch. Ở nước ta, những năm gần đây, cách làm du lịch bền vững này cũng đã bắt đầu phát triển. Nhiều cộng đồng cư dân làm du lịch một cách chuyên nghiệp, bài bản và độc đáo đã xuất hiện ở Sapa (tỉnh Lào Cai), Đồng Văn (tỉnh Hà Giang), Hội An (tỉnh Quảng Nam), Măng Đen (tỉnh Kon Tum) hay những miệt vườn miền Tây Nam Bộ. Tất nhiên, lợi nhuận kinh tế của kiểu du lịch này không thể bằng thu nhập của những khu du lịch 5 sao theo kiểu “thượng lưu”, nhưng chắc chắn ở đây, môi trường ít bị tác động nhất, đầu tư rẻ nhất và nhiều người hưởng lợi nhất.

Tại Đắk Lắk nói riêng, tính đến hết tháng 8/2022, ngành du lịch ước đón khoảng 699.500 lượt khách (trong đó, khách quốc tế 4.740 lượt, khách trong nước 694.760 lượt), tăng 73,6% so với cùng kỳ năm 2021; doanh thu từ du lịch ước đạt 545 tỷ đồng, tăng 57,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây quả là những con số đáng chú ý trong bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là trên địa bàn tỉnh đã có nhiều mô hình du lịch bền vững, điển hình như cộng đồng làm du lịch ở buôn Tơng Jú, Ako Dhông (TP. Buôn Ma Thuột), buôn Jun, Yơng Bắc (huyện Lắk), buôn Trí (huyện Buôn Đôn), hay mô hình du lịch thân thiện với voi tại Vườn Quốc gia Yok Đôn. Hoạt động du lịch đã mang lại lợi ích cho bà con người Êđê, M'nông bản địa.

Đành rằng, trong điều kiện kinh tế đất nước chưa thật lớn mạnh thì vấn đề lợi ích kinh tế trong quá trình phát triển là hết sức quan trọng. Tuy nhiên phát triển một cách bền vững đang là lựa chọn của chúng ta. Bền vững trong câu chuyện làm du lịch cũng là điều không dễ, bởi không phải ai làm du lịch cũng chấp nhận từ bỏ cái lợi kinh tế trước mắt để theo đuổi giá trị lâu dài.

Gần đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định thông điệp của Việt Nam về một nền kinh tế phát triển xanh, bền vững. Xu hướng này được thể hiện rõ nhất trong ngành du lịch. Cụ thể, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn năm 2030 đã nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội”. Đây là cơ sở để đưa du lịch là một ngành kinh tế mũi nhọn và Việt Nam là quốc gia có du lịch phát triển.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.