Multimedia Đọc Báo in

Phát hiện và điều trị sớm bệnh ung thư

07:07, 25/09/2022

Theo thống kê của Hiệp hội Ung thư quốc tế, tại Việt Nam năm 2020 tỷ lệ bệnh nhân mắc mới ung thư tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia) và tỷ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với ghi nhận năm 2018.

Thống kê cũng cho thấy cứ 100.000 người thì có 159 người được chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Mặc dù tỷ lệ tử vong cao nhưng bệnh lý ung thư nếu được phát hiện càng sớm, tỷ lệ chữa khỏi bệnh càng cao.

Chịu đau đớn vì bệnh ung thư dạ dày, hơn một năm qua, chị Lê Thị Nhị (trú phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột) đã phải trải qua một cuộc phẫu thuật và 7 lần hóa trị để điều trị bệnh. Vì phát hiện muộn nên quá trình điều trị bệnh của chị gặp nhiều khó khăn, tốn kém. Chị Nhị chia sẻ: “Trước đây tôi thường có biểu hiện đau dạ dày. Tôi đã đi khám ở nhiều phòng khám nhưng kết quả chỉ là viêm loét dạ dày nên tôi cứ lấy thuốc về uống. Bên cạnh đó, tôi còn đặt mua rất nhiều tinh bột nghệ, mật ong rừng, nghe ai chỉ có bài thuốc gì trị đau dạ dày là tôi liền mua về uống. Tuy nhiên, uống mãi bệnh vẫn không giảm mà ngày càng đau hơn. Trong một lần đi khám tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, các bác sĩ cho biết tôi bị ung thư dạ dày ở giai đoạn di căn”.

Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân đang điều trị ung thư tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Chăm sóc chồng đang điều trị ung thư phổi giai đoạn cuối tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, chị Nguyễn Thị Linh (trú phường Thống Nhất, thị xã Buôn Hồ) cho biết, do thường xuyên hút thuốc lá nhiều nên chồng chị hay có biểu hiện ho. Vợ chồng chị đều nghĩ ho là do hút thuốc lá nên chủ quan, hơn nữa mấy lần đi chụp phim ở các phòng khám thấy phổi không có biểu hiện gì nên chồng chị về nhà tự điều trị. Tuy nhiên, một thời gian sau sức khỏe chồng chị sụt giảm nhanh, xuống sức, không ăn uống được, tức ngực, khó thở, vào bệnh viện thì phát hiện bị ung thư phổi.

Theo bác sĩ CKI Nguyễn Viết Luân, khoa Ung bướu (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), số bệnh nhân ung thư điều trị tại bệnh viện đang có chiều hướng gia tăng. Năm 2020 bệnh viện điều trị cho hơn 5.700 bệnh nhân ung thư nội trú; đến năm 2021, con số này là 6.795 bệnh nhân. Trong đó phổ biến là ung thư gan, ung thư phổi, ung thư vú, ung thư dạ dày và ung thư tiền liệt tuyến. Điều đáng báo động là số bệnh nhân mắc ung thư đang ngày càng trẻ hóa, nhất là ung thư gan, vú và ung thư đường tiêu hóa.

Ung thư là bệnh lý ác tính của tế bào, làm cho tế bào đó phát triển không kiểm soát, lây lan ra các cơ quan khác trong cơ thể bằng đường máu. Bệnh ung thư, tùy theo mức độ xâm lấn đến các cơ quan – mạch máu – thần kinh kế cận, hoặc lan rộng ra toàn thân mà có thể gây ra các triệu chứng tương ứng như sụt cân không rõ nguyên nhân, mệt mỏi suy nhược, sốt, đau kéo dài, có vấn đề liên quan đến tiêu hóa, sưng hoặc nổi cục u – nổi hạch, bất thường trên da, ho dai dẳng… cùng nhiều triệu chứng khác.

Đa số các bệnh nhân ung thư sẽ có biểu hiện đau và đa phần các bệnh nhân ung thư tử vong là do ung thư di căn xa gây đau đớn, suy kiệt, sức đề kháng kém. Nguyên nhân gây bệnh ung thư có thể do các tác động của môi trường sống, các tác nhân vật lý như tia UV gây ung thư da, tiếp xúc với chất phóng xạ, hậu quả của tai nạn, bom hạt nhân, khói thải, chất thải, hóa chất công nghiệp và đặc biệt là khói thuốc lá. Ngoài ra còn có các nguyên nhân như béo phì, ít vận động, dinh dưỡng không hợp lý, ăn nhiều chất béo ít chất xơ, các thực phẩm muối chua, muối mặn, những loại ngũ cốc, hoa quả hư mốc… có thể dẫn đến nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày, trực tràng và ung thư gan. Hoặc cơ thể mắc vi rút viêm gan B, C, vi rút HPV, xoắn khuẩn, vi khuẩn HP… vấn đề tuổi tác, gen, yếu tố di truyền… đều là các nguyên nhân gây ra các bệnh ung thư.

Để phòng chống bệnh ung thư, người dân nên có chế độ ăn uống lành mạnh, dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, nhiều chất xơ, ít chất béo, duy trì thói quen vận động hằng ngày, tránh béo phì, không nên hút thuốc lá và tránh xa khói thuốc lá. “Ung thư có thể điều trị khỏi nếu được phát hiện sớm. Do đó, các bệnh nhân nằm trong độ tuổi nguy cơ hoặc trên 40 tuổi nên thăm khám, tầm soát ung thư định kỳ để phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện nay, một số bệnh ung thư có thể phòng chống được bằng cách tiêm vắc xin như vắc xin phòng viêm gan B, C, vắc xin HPV phòng ung thư cổ tử cung… Đối với các bệnh nhân đã phát hiện mắc ung thư, điều trước tiên là cần giữ cho mình tinh thần lạc quan, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ. Đặc biệt, khi đã mắc bệnh ung thư, bệnh nhân không nên nghe các bài thuốc truyền miệng, không mua và sử dụng các bài thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tự điều trị, vừa gây tốn kém vừa bỏ lỡ mất cơ hội sớm để điều trị bệnh”, bác sĩ Luân nhấn mạnh.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.