Multimedia Đọc Báo in

Thị xã Buôn Hồ chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số

06:12, 04/09/2022

Những năm qua, thực hiện công tác chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), góp phần nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn thị xã Buôn Hồ đã triển khai có hiệu quả việc thực hiện các chính sách dân tộc, giúp người dân định canh, định cư, phát triển sản xuất.

Hỗ trợ định canh, định cư

Với trên 80% dân số là đồng bào DTTS, những năm qua xã Ea Drông là một trong những địa phương được thụ hưởng nhiều chính sách dân tộc, nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nơi đây được cải thiện rõ rệt. Trong đó, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đã phát triển kinh tế, ổn định sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Đơn cử như hộ ông Y Rát Niê (buôn Klat C), trước đây cuộc sống hết sức khó khăn, hai vợ chồng đã lớn tuổi lại thường xuyên đau ốm, trong khi gia đình không có đất để canh tác, nhà phải đi ở nhờ của họ hàng. Năm 2017 gia đình ông được UBND xã cấp 3 sào đất để sản xuất, đến năm 2019 ông tiếp tục được cấp 300 m2 đất để xây dựng nhà ở. Không chỉ thế, mới đây, gia đình ông đã được Công ty Cổ phần Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) hỗ trợ 45 triệu đồng để xây dựng căn nhà kiên cố, vững chãi. Ông Y Rát tâm sự: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã; tuy nhiên, nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và chính quyền địa phương, bây giờ hai vợ chồng vừa có nhà ở kiên cố, vừa có đất sản xuất; kinh tế cũng ổn định nên đã thoát khỏi hộ nghèo. Bây giờ, gia đình sẽ cố gắng làm ăn để cuộc sống khá giả hơn”.

Cán bộ xã Ea Siên thăm hỏi cuộc sống gia đình ông Y Linh.

Ở xã Ea Siên, đồng bào DTTS chiếm 78% dân số toàn xã, gồm các dân tộc Nùng, Tày, Êđê, Dao, Xê đăng. Những năm trước, đời sống của người dân xã Ea Siên gặp nhiều khó khăn, toàn xã không có một công trình cơ sở hạ tầng nào, nhất là giao thông, nước sạch, điện hầu như không có gì; đường sá đi lại khó khăn; buôn làng, thôn xóm là những mái nhà tranh tre lụp xụp; người dân vẫn còn tư duy du canh, du cư, chưa áp dụng được nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật… Do đó, Đảng bộ xã đặc biệt quan tâm đến công tác xóa đói giảm nghèo, cấp đất để sản xuất, xây dựng nhà ở, tạo điều kiện vay vốn, hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật… để người dân từng bước cải thiện cuộc sống.

Là một trong những hộ nghèo của xã, cách đây 3 năm gia đình ông Y Linh Ktla (thôn 1A, xã Ea Siên) được Ủy ban MTTQ Việt Nam xã hỗ trợ 35 triệu đồng để xây dựng nhà Đại đoàn kết. Với gia đình ông, đó là số tiền rất lớn bởi hai vợ chồng vốn không có đất sản xuất nên cuộc sống của 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào tiền đi làm thuê, làm mướn hằng ngày. Có căn nhà kiên cố, gia đình ông không còn lo lắng mỗi khi trời mưa gió cũng như yên tâm phát triển kinh tế gia đình.

Khởi sắc vùng đồng bào DTTS

Có thể nói, từ các chương trình, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và các chương trình hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nhà ở, cây con giống, nước sạch…, đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn xã Ea Drông đã từng bước được nâng cao. Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020, địa phương đã được đầu tư trên 440 triệu đồng hỗ trợ người dân phát triển kinh tế và gần 2 tỷ đồng xây dựng cơ sở hạ tầng; hỗ trợ xây dựng 75 nhà ở, cấp đất ở cho 42 hộ dân; hỗ trợ bò cái sinh sản chuyển đổi nghề thay thế đất sản xuất cho 116 hộ với tổng số tiền gần 600 triệu đồng… Với sự hỗ trợ đó, nhiều hộ dân đã nâng cao nhận thức, nỗ lực làm ăn, chăm lo cho con em học tập, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Ông Y Rát (bìa trái) trong ngôi nhà mới được hỗ trợ xây dựng trên đất ở được cấp.

Còn tại xã Ea Siên, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia đầu tư cho vùng có đông đồng bào DTTS như vay vốn ưu đãi, cấp đất, đào tạo nghề, hỗ trợ giống vật nuôi, nước sạch…, những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã Ea Siên còn tập trung hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở, phát triển kinh tế, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Ea Siên chia sẻ, từ nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân, đến nay 100% đường liên xã được cứng hóa, bê tông hóa; 91% đường liên thôn, buôn và trục thôn, buôn được cứng hóa, bê tông hóa và nhựa hóa bằng cấp phối; tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2021 giảm xuống còn 47 hộ (chiếm tỷ lệ 2,9%); thu nhập bình quân đầu người trên 41 triệu đồng/năm…

Theo thống kê của UBND thị xã Buôn Hồ, thị xã hiện có 22 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó DTTS chiếm trên 28% dân số. Để từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho hộ đồng bào DTTS, đặc biệt là các hộ nghèo, thị xã đã tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách về dân tộc như: hỗ trợ vốn kịp thời, chuyển giao công nghệ kỹ thuật; đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn; hỗ trợ giáo dục cho con em thuộc hộ nghèo; hỗ trợ tiền điện và nhà ở cho người nghèo... Với sự quan tâm, đầu tư đồng bộ của Nhà nước và các cấp chính quyền, bộ mặt vùng đồng bào DTTS trên địa bàn thị xã đã thực sự thay đổi, khởi sắc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, ngày càng củng cố thêm niềm tin, sự đồng thuận của bà con trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở địa phương.

Qua việc thực hiện đồng bộ của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ hộ nghèo của thị xã Buôn Hồ từ 7,68% cuối năm 2015 đến cuối năm 2020 giảm còn 2% (theo chuẩn mới cuối năm 2021 là 3,7%); tỷ lệ hộ nghèo là người DTTS của thị xã từ 14,04% cuối năm 2015, đến cuối năm 2020 giảm còn 4,43% (theo chuẩn mới cuối năm 2021 là 6,88%).

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.