Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác trước những trào lưu độc hại lan truyền trên mạng xã hội TikTok

08:52, 09/10/2022

TikTok là nền tảng video ngắn. Mỗi video chỉ khoảng vài chục giây nhưng nhờ khả năng truyền đạt thông tin nhanh, hình ảnh bắt mắt, nhạc nền hay khiến TikTok đang là một ứng dụng phổ biến nhất trên thế giới, với hơn một tỷ người dùng (tính đến tháng 1/2022).

Mặc dù theo quy định của TikTok thì trẻ em dưới 13 tuổi không được phép đăng ký sử dụng, thế nhưng chỉ cần cung cấp thông tin giả về ngày tháng năm sinh thì đã qua mặt hệ thống đăng ký. Chính vì vậy, bất kỳ ai cũng có thể tải ứng dụng TikTok, thậm chí dễ dàng trở thành một TikToker chính hiệu.

Không thể phủ nhận TikTok đã cung cấp cho người dùng những sản phẩm giải trí rất hay, những bạn trẻ có thể học được những điệu nhảy đẹp, hoặc những mẹo vặt, cách sáng tạo đồ vật… trên đó. Tuy nhiên, vì tính năng kiểm duyệt nội dung còn lỏng lẻo nên nền tảng này cũng chứa không ít những hình ảnh khiêu dâm, bạo lực, thậm chí có cả những trò thử thách nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của trẻ em. Đây chính là điều mà các bậc phụ huynh và nhà quản lý lo lắng, bởi bên cạnh những clip nhảy nhót vui nhộn thì thanh thiếu niên cũng đang bị cuốn sâu vào các trào lưu với những hành động nguy hiểm, dẫn đến những tai nạn liên tục xảy ra trong thời gian gần đây.

Thử thách Bright Eye Challenge
Thử thách "Bright Eye Challenge". (Ảnh: Internet)

Có thể kể ra những trào lưu, thử thách vô cùng nguy hiểm, phản cảm như: đập phá trường học, lao ra phía trước xe tải đang chạy trên đường, trộn ngẫu nhiên các hóa chất tẩy rửa độc hại, lột đồ khỏa thân trước mặt người thân, bạn bè, nhảy múa trên đường băng máy bay, nín thở càng lâu càng tốt... Nhiều tai nạn đáng tiếc đã xảy ra với những người trẻ chỉ vì tham gia những thử thách vô bổ trên TikTok như: Đầu năm 2022, ít nhất 2 người trẻ ở Indonesia thiệt mạng và nhiều trường hợp bị chấn thương nặng vì tham gia thử thách “thiên thần của cái chết”, tức là lao ra phía trước xe tải đang chạy trên đường, nếu khiến phương tiện dừng lại trước khi tông trúng người thì thành công. Hay tháng 11/2020, một bé trai 10 tuổi ở TP. Hồ Chí Minh ngã vẹo cổ suýt tử vong vì bắt chước trò nhào lộn trên TikTok…

Bằng thuật toán, những nội dung trên TikTok tự động tìm đến người dùng. Người dùng chỉ cần bật TikTok là có nội dung xem tức thì, mà không cần suy nghĩ lựa chọn. Nếu không thích nội dung đang phát, phần tiếp theo video đã sẵn sàng để xuất hiện. Với cơ chế hoạt động như vậy, clip càng thu hút nhiều người xem lại càng được đề xuất, lên xu hướng, rồi nghiễm nhiên trở thành trào lưu. Bên cạnh đó, có thể thấy đối tượng sử dụng mạng xã hội TikTok đa phần là những người trẻ, thanh thiếu niên đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện nhận thức, vì thế càng dễ bị thu hút bởi những nội dung mới, “lạ”, “độc”, thậm chí là quái gở, phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục, chuẩn mực đạo đức.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm kiểm soát, hạn chế những thông tin xấu, độc hại trên mạng xã. Cụ thể, ngày 28/5/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Công văn số 1800/BTTTT-PTTH&TTÐT “Về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội” nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội những năm gần đây, đặc biệt là hai mạng xã hội Facebook và Youtube với “những tác động cả tiêu cực và tích cực đối với đời sống xã hội”, đồng thời khẳng định việc tăng cường công tác quản lý để hạn chế những tác động tiêu cực của mạng xã hội, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm của người sử dụng; yêu cầu Google đóng nhiều kênh Youtube khác của người dùng trong nước có nội dung vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, công văn này chưa đề cập đến mạng xã hội TikTok, một mạng xã hội có cơ chế hoạt động khác biệt so với Youtube và Facebook, đã có từ năm 2016. Ðáng nói hơn, hiện nay chính Facebook và Youtube dường như cũng đã nhanh chóng học hỏi cơ chế hoạt động của TikTok, với sự ra đời của Facebook Stories và Youtube Shorts? Thực tế này đòi hỏi các cơ quan quản lý cần tiếp tục bám sát sự dịch chuyển của xu thế mạng xã hội, để có những biện pháp xử lý, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh đó, so với món lợi “khổng lồ” từ quảng cáo, truyền thông trong một clip viral (phổ biến), thì mức phạt chỉ vài triệu đồng là quá nhỏ, chưa đủ sức răn đe. Do đó, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh bổ sung mức xử phạt các hành vi vi phạm trên môi trường mạng xã hội sao cho đủ sức răn đe, ngăn chặn, đặc biệt, phải có chế tài đặc thù xử phạt đối với những hành vi vi phạm đã bị xử lý nhiều lần.

Nhật Thuận


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.